Phản bác luận điệu xuyên tạc Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (kỳ 2)
Kỳ 2. NHẬN DIỆN NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC
Lợi dụng việc Trung ương và các địa phương xem xét và đồng ý để một số cán bộ lãnh đạo quản lý thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác; các thế lực thù địch, phần tử xấu đã nhào nặn, tung ra những luận điệu xuyên tạc Quy định 41 cũng như công tác cán bộ của Đảng ta.
Bóp méo sự thật, suy diễn vô căn cứ
Từ khi Quy định 41 được ban hành và đi vào cuộc sống, các trang mạng xã hội của các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, hãng thông tấn như: Việt Tân, BBC, RFA, RFI, VOA…đã đăng tải nhiều thông tin suy diễn, bôi đen, xuyên tạc quy định này.
Đặc biệt, cứ mỗi lần có một cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước xin thôi các chức vụ và Trung ương họp, xem xét, nhất trí cho cán bộ này thôi nhiệm vụ thì trên các trang mạng xã hội của các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, chương trình phát thanh… của các hãng kể trên lại rầm rộ đăng tải tin, bài xuyên tạc, bịa đặt liên quan đến việc từ chức, miễn nhiệm của các lãnh đạo cấp cao cũng như công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta.
Cụ thể như BBC (Tập đoàn truyền thông quốc gia vương quốc Anh) với các tin bài: Quy định 41 của Bộ Chính trị giúp cán bộ cấp cao “hạ cánh an toàn”?; Địa chấn chính trị Việt Nam: Dồn dập đến bao giờ?... ; Ông Vương Đình Huệ mất chức: Những màn hạ cánh an toàn; Ông Vương Đình Huệ mất chức: Chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng thất bại…
RFA (Đài châu Á tự do) với các tin, bài: Vì sao ông Trọng không chịu trách nhiệm người đứng đầu?; Cuộc chiến vào ngôi vị lãnh đạo Việt Nam nóng lên sau hàng loạt các vụ cách chức làm giảm số lượng đối thủ; Đảng không minh bạch trong vụ cho thôi chức đối với ông Nguyễn Xuân Phúc; Ông Võ Văn Thưởng liệu sẽ rớt đài và vấn đề nhân sự của Đảng?... RFI (Đài Phát thanh thời sự Pháp) với bài: Việt Nam: Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền?... Trang Người Việt (Nguoiviet News) với bài: Những quy định rất đúng quy trình (với nội dung bóp méo xuyên tạc quy định 41).
Với những suy luận vô căn cứ, cố tình bóp méo sự thật, những tin, bài trên cho rằng việc một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta từ chức là kết quả của “sự thanh trừng nội bộ”, “đấu đá lẫn nhau”, “tranh giành phe cánh”; đáng chú ý thay vì gọi đúng bản chất là “thôi các chức vụ”, “miễn nhiệm”, “nghỉ công tác”… thì chúng bóp méo đấy là “mất chức”, “cách chức”, “rớt đài”, “ngã ngựa”…
Đáng chú ý phải kể đến bài viết: Quy định 41 của Bộ Chính trị giúp cán bộ cấp cao “hạ cánh an toàn” của BBC (đăng ngày 25/4/2024) được phát tán rộng rãi trên nhiều diễn đàn phản động trong thời gian gần đây… Bài viết mở đầu với những lập luận xuyên tạc: Nhiều lãnh đạo cấp cao, có cả ủy viên Bộ Chính trị, dường như được Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép "hạ cánh an toàn" bằng cách chủ động xin thôi chức khi mắc sai phạm.
Với góc nhìn lệch lạc, bài viết cho rằng Quy định 41 đưa ra Quy trình “xin thôi” hay còn gọi là “hạ cánh an toàn”, giúp Đảng giữ hình ảnh trong mắt công chúng và giúp các đảng viên cao cấp mắc sai phạm thoát khỏi khả năng bị truy tố hình sự.
Bài viết còn trích dẫn, cắt ghép phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi.”; “Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất…” rồi lập luận, suy diễn một cách vô căn cứ, xuyên tạc rằng: “Rút lui trong danh dự” ở đây có thể hiểu rằng các quan chức này vẫn được hưởng các quyền lợi theo cấp bậc của một cựu cán bộ lãnh đạo và quan trọng là không bị xử lý hình sự.
Đây là luận điệu xuyên tạc nguy hiểm, bóp méo tinh thần: siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và bước đột phá mới của Quy định 41. Luận điệu này được phát tán rộng rãi trên nhiều diễn đàn phản động rất dễ dẫn đến những nhận thức sai lệch trong dư luận xã hội về công tác cán bộ của Đảng, cũng như công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.
Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi
Vấn đề nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước từ lâu vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận; đặc biệt là những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền. Do đó, mọi thay đổi trong công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước, nhất là việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đều nhanh chóng nhận được sự theo dõi của cộng đồng... Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu đã bóp méo sự thật, tuyên truyền xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Một trong những phương thức hiệu quả nhất mà các thế lực thù địch, phần tử xấu sử dụng để lan truyền thông tin bịa đặt, xuyên tạc đó là sử dụng mạng Internet, nhất là lợi dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube... Theo báo cáo Digital 2024 của Tổ chức We are social (Chúng tôi là mạng xã hội), tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số cả nước; có 72,70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 73,3% dân số. Cùng với đó, có tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động đã hoạt động ở Việt Nam, tương đương 169,8% dân số. (điều này có thể phản ánh sự phổ biến của việc sử dụng nhiều thiết bị di động để truy cập Internet và các dịch vụ trực tuyến khác nhau).
Đặc biệt, với xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo vào mạng xã hội đang bùng nổ, người dùng chỉ cần xem, truy cập vào một trang xấu độc thì ngay lập tức sẽ được gợi ý xem hàng trăm trang khác có nội dung tương tự; người dùng chỉ cần xem, truy cập vào một tin, bài xấu độc thì sẽ được gợi ý, dẫn dắt truy cập vào hàng chục, hàng trăm tin, bài khác có nội dung tương tự.
Do đó, việc lan truyền thông tin xấu ngày càng nhanh hơn, nguy hiểm hơn, ngay lập tức tác động đến nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, từ đó gây hoài nghi vào hệ thống chính trị, vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gieo rắc sự hoang mang, bi quan trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và dẫn đến tâm lý tiêu cực …
Để truyền tải thông tin xuyên tạc, các thế lực thù địch đã lập ra hàng nghìn trang mạng xã hội, nhất là các nền tảng xã hội Facebook và Youtube. Một mặt, chúng vẫn tái diễn luận điệu vu khống cho rằng việc Đảng ta ban hành một số kết luận, nghị quyết liên quan đến công tác cán bộ và xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật, đồng thời chỉ đạo kiên quyết, xử lý nghiêm minh các sai phạm của hàng loạt cán bộ từ trung ương đến cơ sở; đặc biệt việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước thời gian gần đây là kết quả của việc “tranh giành quyền lực”, “đấu đá phe phái”, “phe cánh triệt tiêu nhau”, “thanh trừng nội bộ trong Đảng”;…
Mặt khác, chúng ra sức lan truyền các thông tin suy diễn vô căn cứ, lấy hiện tượng để xuyên tạc bản chất. Chúng cố tình đánh tráo khái niệm, nguỵ tạo luận cứ, luận chứng nhằm lèo lái công chúng hiểu sai lệch bản chất vấn đề. Để tăng độ tin cậy, tính thuyết phục, chúng “cài cắm” một cách có chủ đích quan điểm, ý kiến của một số nhân vật dưới danh nghĩa “Luật sư A”, “nhà báo B”. Thậm chí chúng vẽ ra những nhân vật ẩn danh theo kiểu “Một nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ”, “Một ký giả giấu tên cho biết”, “Một cán bộ giấu tên cho biết”, “Một nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn nêu quan điểm”, “Theo giới thạo tin”, “Theo nguồn tin bên lề”, hướng lái sự việc theo chiều hướng tiêu cực khi cho rằng việc những cán bộ từ trung ương đến địa phương, trong đó có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý xin thôi các chức vụ là kết quả của “bất ổn chính trị”. Mục đích là gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận hòng hạ bệ uy tín cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, chia rẽ Đảng với dân. Từ đó làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, kích động người dân thực hiện hành vi sai trái, tiếp tay cho hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
Điều đáng nói, để thực hiện mưu đồ chính trị đen tối, chúng triệt để lợi dụng việc thiếu thông tin chính thống, lợi dụng tâm lý tò mò, khả năng nhận diện tin xấu, độc của một bộ phận người dân và một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế để tung ra thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Chúng cũng tiếp cận, lôi kéo, kích động các phần tử cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất trong nội bộ ta để viết bài, đăng tin, chia sẻ, viết bình luận phê phán, tổ chức livestream trên các diễn đàn, nền tảng mạng xã hội với sự quy chụp trực diện vào vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta ở tất cả các cấp.
Có thể thấy, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, với luận điệu méo mó, xuyên tạc, các thế lực thù địch, các phần tử xấu đã, đang và sẽ tiếp tục điên cuồng phát tán những thông tin xấu, độc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Và nếu không có lập trường vững vàng thì sau quá trình bị tác động bởi những thông tin xấu, độc một cách thụ động, thì một bộ phận người dân, thậm chí cả cán bộ, đảng viên có thể sẽ chủ động tìm đến các thông tin này hoặc sẽ dao động, hoang mang, mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm trong tình hình hiện nay.
Ý kiến ()