Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lẵng hoa chúc mừng. Dự đại hội còn có các đồng chí: Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư; Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng; Võ Đức Huy, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư.
Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVN trình bày báo cáo chính trị của BCH trình đại hội về: Kiểm điểm 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 theo Kết luận số 41 ngày 19-1-2006 của Bộ Chính trị và Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 9-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2010-2015 là: Phát triển PVN trở thành tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực, có tốc độ tăng trưởng bình quân 18- 20%/năm; có cơ cấu phát triển hợp lý giữa các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là chủ đạo.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhiệt liệt biểu dương Đảng bộ, tập thể PVN đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là năm 2009, PVN đã xác lập được hàng loạt các kỷ lục mới. Đồng chí nêu rõ: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, toàn diện và vững chắc. Thương hiệu, hình ảnh của Tập đoàn không ngừng được nâng cao ở cả trong nước và quốc tế. Khẳng định ngày càng rõ nét vai trò của Tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vị trí đầu tàu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh năng lượng, tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.
Tập đoàn đã chuyển đổi thành công, hoàn thiện từng bước tổ chức và hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế; Kiện toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là tổ chức và cơ chế lãnh đạo của Đảng; Triển khai sâu rộng và có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên một bước quan trọng. Với hơn 9.000 đảng viên trong tổng số gần 4 vạn người lao động đang triển khai thành công các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài đã khẳng định rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ trong toàn ngành Dầu khí Việt Nam.
Kết quả đạt được của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong những năm qua có ý nghĩa chính trị – kinh tế – xã hội – an ninh, quốc phòng hết sức to lớn, là thành tích đáng tự hào của tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; đồng thời đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam…
Sau khi chỉ ra những thiếu sót, hạn chế, Đảng bộ PVN cần tập trung khắc phục, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề:
Dầu khí là tài nguyên quý hiếm, không thể tái tạo, là nguồn năng lượng và nguyên liệu quan trọng mang tính chiến lược, bảo đảm an ninh năng lượng của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí luôn được Đảng, Nhà nước coi là hoạt động cốt lõi của ngành dầu khí, được quan tâm và chú trọng, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Vì vậy, Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở trong nước và nước ngoài để đóng góp thiết thực cho bảo đảm an ninh năng lượng và thực hiện vai trò đầu tàu kinh tế, công cụ điều tiết vĩ mô của đất nước.
…Quán triệt quan điểm xuyên suốt phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội; phát triển kinh tế – xã hội kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng, an ninh. Phải làm cho những quan điểm chỉ đạo đó được thể hiện đầy đủ, đúng đắn trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển của ngành dầu khí. Phải phát triển ngành dầu khí bền vững, có khả năng cạnh tranh cao và bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Phát triển ngành dầu khí đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Điều đó đòi hỏi ngành Dầu khí phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải đặc biệt coi trọng việc xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng năng lực khoa học – công nghệ và năng lực tổ chức điều hành của bộ máy quản lý các cấp. Phải xây dựng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thành một hình mẫu doanh nghiệp nhà nước tốt nhất, thể hiện rõ nhất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong quá trình phát triển đất nước. Đây là vấn đề lớn có ý nghĩa quyết định sự phát triển của Tập đoàn. Đại hội cần thảo luận kỹ để tìm được những giải pháp khả thi và có hiệu quả tốt.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng. Trên thực tế, mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước mới được chuyển đổi, Đảng bộ Tập đoàn vừa mới thành lập đi vào hoạt động hơn một năm rưỡi, địa bàn hoạt động phân tán, đa dạng loại hình cơ sở. Việc vận dụng những hình thức và phương pháp hoạt động của đảng viên, của chi bộ, đảng bộ bộ phận và của Đảng bộ Tập đoàn đòi hỏi phải tìm tòi, sáng tạo và thông qua thể nghiệm để từng bước định hình và xây dựng nên cơ chế, tổ chức và hoạt động phù hợp, hiệu quả. Điều cơ bản nhất là phải phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu, tính tự giác cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đưa hoạt động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành công việc thường xuyên của mọi cán bộ, đảng viên, của mọi chi bộ và tổ chức đảng và ở từng việc làm cụ thể. Phát huy dân chủ trong sinh hoạt, đề cao tự phê bình và phê bình; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ cơ sở; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, nhất là các cơ sở hoạt động ở nước ngoài. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, trước hết là bí thư cấp ủy.
* Ngày 23-7, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 21. Đến dự có đồng chí Hoàng Văn Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng KH-CN, đại diện lãnh đạo các Ban Đảng ở T.Ư…
Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ cho biết: Nét nổi bật trong nhiệm kỳ qua (2006-2010) là công tác xây dựng Đảng đã gắn chặt với nhiệm vụ đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động KH-CN. Bộ KH – CN từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ bản khung pháp lý cho hoạt động KH – CN trong cả nước; triển khai và thực hiện cơ chế hoạt động theo các Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH – CN công lập; về doanh nghiệp KH-CN. Đồng thời, ngành KH-CN cũng xác định việc thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đời sống là một nhiệm vụ trọng tâm.
Đại hội Đảng bộ Bộ KH-CN đã đề ra phương hướng cho nhiệm kỳ mới (2010-2015), trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về KH-CN. Xây dựng và triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020. Tổ chức tốt việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH-CN trong cả nước; thúc đẩy hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp KH-CN. Đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, ứng dụng và chuyển giao nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng và phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ có hiệu lực và hiệu quả cả về xác lập quyền và thực thi quyền, đáp ứng nhu cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ ngày càng tăng của xã hội. Tiếp tục đổi mới quản lý nhiệm vụ KH-CN cấp Nhà nước, hoạt động KH-CN ở các bộ, ngành và địa phương theo hướng nâng cao chất lượng nghiên cứu.
* Trong hai ngày 22 và 23-7, tại Hà Nội Đảng bộ Tập đoàn dệt may Việt Nam (VINATEX), tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ đã làm tốt công tác quản lý trực tiếp đảng viên là lãnh đạo các cơ quan quản lý, điều hành và CBCNV Công ty mẹ – Tập đoàn, Công đoàn ngành dệt may Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam và cán bộ quản lý vốn của tập đoàn tại các doanh nghiệp mà tập đoàn có vốn đầu tư. Thống nhất chỉ đạo sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn, phối hợp chặt chẽ với các đảng bộ, chi bộ cơ sở nằm tại các địa phương trong hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tập đoàn.
Nhờ có định hướng đúng đắn, chỉ đạo kịp thời hiệu quả của Đảng ủy tập đoàn, các đơn vị trong tập đoàn đã vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì sản xuất kinh doanh, tiếp tục tăng trưởng, ổn định việc làm cho 120 nghìn lao động. Tập đoàn là đơn vị hạt nhân luôn dẫn đầu về sản xuất kinh doanh, xuất khẩu toàn ngành dệt may, tăng trưởng bình quân mỗi năm về doanh thu hơn 14%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn hơn 15%, kim ngạch xuất khẩu hơn 10% góp phần đưa toàn ngành dệt may dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Với phương châm “Đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm xây dựng VINATEX trở thành tập đoàn hàng đầu về quy mô và đẳng cấp trong ngành dệt may châu Á”, Đảng bộ tập đoàn nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 đưa ngành dệt may Việt Nam nằm trong tốp 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, và là nhà sản xuất hàng đầu khu vực châu Á, đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 60%. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là: Đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tập trung đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm như sản xuất nguyên liệu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bảo đảm tiến độ di dời các doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu; phát triển nguồn lực; phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ý kiến ()