Phái viên Liên đoàn Ả rập phản đối hành động can thiệp quân sự vào Syria
Hãng thông tấn Tân Hoa ngày 20/2 dẫn lời Đặc phái viên của Liên đoàn Ả rập (AL) tại Nga Giuma al-Ferjani nhấn mạnh rằng, cả lực lượng đối lập tại Syria và các cường quốc trên thế giới đều không muốn “một hành động can thiệp quân sự” vào tình hình quốc gia Trung Đông này.Phát biểu tại Hội thảo “Quá trình chuyển đổi tại thế giới Ả rập và mối quan tâm của Nga" diễn ra ở thành phố Sochi (Nga), ông al-Ferjani nhấn mạnh: “Không ai trong thế giới Ả rập, không một nước nào thuộc AL và không phe phái nào tại Syria (gồm cả các lực lượng đối lập) lại hoan nghênh các hành vi can thiệp quân sự vào tình hình Syria…Tất cả chúng tôi đều phản đối điều này”, quan chức ngoại giao trên nhấn mạnh.Theo quan điểm của ông al-Ferjani, AL và cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ tránh nguy cơ xảy ra các hành động can thiệp vào Syria, đồng thời tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị vốn đã kéo dài suốt 11 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó,...
Hãng thông tấn Tân Hoa ngày 20/2 dẫn lời Đặc phái viên của Liên đoàn Ả rập (AL) tại Nga Giuma al-Ferjani nhấn mạnh rằng, cả lực lượng đối lập tại Syria và các cường quốc trên thế giới đều không muốn “một hành động can thiệp quân sự” vào tình hình quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu tại Hội thảo “Quá trình chuyển đổi tại thế giới Ả rập và mối quan tâm của Nga” diễn ra ở thành phố Sochi (Nga), ông al-Ferjani nhấn mạnh: “Không ai trong thế giới Ả rập, không một nước nào thuộc AL và không phe phái nào tại Syria (gồm cả các lực lượng đối lập) lại hoan nghênh các hành vi can thiệp quân sự vào tình hình Syria…Tất cả chúng tôi đều phản đối điều này”, quan chức ngoại giao trên nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông al-Ferjani, AL và cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ tránh nguy cơ xảy ra các hành động can thiệp vào Syria, đồng thời tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị vốn đã kéo dài suốt 11 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, Nga tiếp tục bày tỏ quan ngại về nguy cơ diễn ra một sự can thiệp quân sự từ phía bên ngoài vào tình hình Syria trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tiếp diễn tại quốc gia Trung Đông này kể từ tháng 3/2011 cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của 5.400 người dân vô tội (theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc).
Cách đây không lâu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từng bày tỏ lo ngại của Moscow về nguy cơ tái diễn kịch bản Libya tại Syria. Đáp lại quan điểm trên của Nga, các cường quốc phương Tây tiếp tục khẳng định, họ không có ý đồ can thiệp quân sự vào tình hình Syria. Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn không ngần ngại khi tuyên bố rằng “khả năng can thiệp quân sự vào Syria hoàn toàn bị bác bỏ”. Tổng thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen cũng đã từng nhấn mạnh rằng, liên minh quân sự này không hề có ý định can thiệp vào tình hình Syria.
Về phần mình, ông al-Ferjani đã chia sẻ những lo ngại của phía Moscow, đồng thời đưa ra lập luận rằng, việc “tránh nguy cơ tái diễn kịch bản Libya tại Syria và tìm một giải pháp hòa bình nhằm mang lại một sự thay đổi to lớn tại quốc gia Trung Đông này mà không tính đến bất kỳ một ý đồ can thiệp quân sự nào” chính là “nhiệm vụ” của AL, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước thành viên phương Tây khác trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, không phải tất cả 22 quốc gia thành viên AL đều ủng hộ quan điểm của ông al-Ferjani. Tháng trước, Quốc vương Qatar – ông Hamad Bin Khalifa al-Thani đã trở thành nhà lãnh đạo Ả rập đầu tiên công khai kêu gọi triển khai quân đội Ả rập tới Syria nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài tại quốc gia này. Sau đó không lâu, cựu Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập ( AL), đồng thời là ứng cử viên đầy tiềm năng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra tại Ai Cập – ông Amr Moussa – cũng hưởng ứng quan điểm trên và kêu gọi AL cân nhắc đề xuất trên một cách nghiêm túc. Về phần mình, Tổng thư ký AL Nabil al-Arabi đã tuyên bố rằng, AL sẽ để ngỏ mọi cơ hội để thảo luận về “tất cả mọi ý tưởng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria”.
Khi đưa ra bình luận về việc Nga tiếp tục bày tỏ quan điểm phản đối bản nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Syria, ông al-Ferjani cho rằng, hành động trên của Moscow đã phát đi một tín hiệu mang tính “tiêu cực và sai lầm” tới chính phủ Syria. “Chúng tôi có một ấn tượng rằng, phía Nga đã không hiểu thấu đáo về thiện chí của các nước Ả rập, cũng như nguyện vọng của các cuộc cách mạng Ả rập nhằm giải quyết các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, chủ quyền lãnh thổ”, ông al-Ferjani nói. Qua đó, quan chức ngoại giao trên hy vọng rằng, AL và Nga có thể sớm thông qua một giải pháp mang tính thỏa hiệp cho các vấn đề tại Syria và hiện cả hai bên đang theo đuổi quyết tâm mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu này.
Nhận định về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad và tương lai của nhà lãnh đạo này, ông al-Ferjani nói: “Nếu như các nhà chức trách Syria phản ứng một cách tích cực trước đề xuất của AL và phe đối lập thì các bên sẽ tìm ra một giải pháp khả thi nhằm miễn truy cứu một số trách nhiệm đối với ông al-Assad”. Bên cạnh đó, ông al-Ferjani cũng viện dẫn trường hợp của cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh – người đã đồng ý từ chức hồi tháng 11/2011 dưới sức ép của phe đối lập và không bị đưa ra xét xử. Qua đó, quan chức của AL cũng tin tưởng rằng, khả năng này sẽ sớm trở thành hiện thực đối với ông al-Assad, có thể là trong một vài tháng tới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()