Phải làm gì để du lịch cộng đồng cải thiện thu nhập người dân?
Để du lịch cộng đồng phát triển hiệu quả cần có các giải pháp triển khai phù hợp, vừa tạo sản phẩm thực sự hấp dẫn, vừa bảo tồn văn hóa bản địa gắn với tạo việc làm, cải thiện thu nhập người dân.
Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ tạo sự đa dạng sản phẩm, thu hút du khách mà còn góp phần tăng sinh kế cho cộng đồng dân cư tại điểm đến, trong đó có các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng phát triển hiệu quả, hài hòa lợi ích, cần có các giải pháp triển khai phù hợp, vừa tạo sản phẩm thực sự hấp dẫn, vừa bảo tồn văn hóa bản địa gắn với tạo việc làm, cải thiện thu nhập người dân.
Nâng cao đời sống, lưu giữ truyền thống
Du lịch cộng đồng được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch.
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay, một số địa phương trong nước đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng, góp phần thay đổi đáng kể sinh kế người dân địa phương. Bên cạnh đó, đóng góp to lớn hơn của du lịch cộng đồng đối với phát triển kinh tế-xã hội nói chung cũng như mục tiêu phát triển du lịch bền vững đó là khai thác, phát huy, giới thiệu và bảo tồn, lưu giữ giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa đặc sắc của đất nước.
Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, nét văn hóa truyền thống, đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trở thành động lực thu hút khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới tới khám phá và trải nghiệm.
Các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc không những được lưu truyền và lan tỏa mà còn đóng góp trực tiếp tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo của Việt Nam.
Cùng chung nhận định, Tiến sỹ Trần Quốc Hùng, Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc), khẳng định ở nước ta, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển mạnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Du lịch cộng đồng mở ra cuộc sống mới cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, khi họ trực tiếp tham gia và làm chủ nhiều hoạt động dịch vụ từ ăn uống, lưu trú đến trực tiếp hướng dẫn khách tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Thông qua hoạt động đó, cộng đồng các dân tộc thiểu số được giao lưu, học hỏi, đồng thời có cơ hội bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường và có nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.
Tại Sóc Trăng, xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu với tiêu chí kiểu mẫu đạt được là phát triển văn hóa gắn với hoạt động du lịch, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Kinh, Khmer, Hoa.
Nhờ vừa phát triển kinh tế nông nghiệp vừa làm dịch vụ du lịch, người dân trong xã có thu nhập bình quân trên 76 triệu đồng/người/năm.
Ông Phòng Phú Thịnh (ấp Đại Ân, xã Đại Tâm) cho biết mỗi năm, có trên 200.000 lượt khách đến tham quan chùa Chén Kiểu - ngôi chùa Khmer nổi tiếng tọa lạc trên địa bàn xã. Đồng thời, du khách còn tìm hiểu nhiều nghi lễ, xem biểu diễn các điệu múa, nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer, mua sắm đặc sản ẩm thực, nông sản do người dân địa phương sản xuất và trực tiếp giới thiệu, bày bán. Nhờ đó, bà con có thêm thu nhập lại vừa có niềm vui là giới thiệu để du khách hiểu thêm nét văn hóa của dân tộc.
Tương tự, tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), hoạt động du lịch cộng đồng, đưa du khách tới tham quan làng nghề gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm, khám phá nghệ thuật làm gốm độc đáo không dùng bàn xoay, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng tâm linh thể hiện qua từng sản phẩm gốm và mua sắm sản phẩm tạo việc làm cho người dân, thiết thực bảo tồn nghề truyền thống.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc, cho hay sản xuất đa dạng sản phẩm gốm trang trí, gốm dân dụng, đồng thời hướng dẫn cho du khách trải nghiệm một số công đoạn làm gốm, thành viên hợp tác xã có thu nhập khoảng từ 4-10 triệu đồng/người/tháng, ổn định đời sống.
Gia tăng giá trị bằng sản phẩm chất lượng
Theo các chuyên gia, nói đến sản phẩm du lịch cộng đồng, du khách thường quan tâm đến “chất liệu” như bản sắc văn hóa dân tộc và cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái tại địa phương để hình thành nên sản phẩm du lịch có hấp dẫn, độc đáo hay không.
Do vậy, muốn có các sản phẩm du lịch cộng đồng thực sự chất lượng, thu hút đông đảo du khách cần kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy bản sắc, đảm bảo tính chân thực của văn hóa bản địa chính là giá trị cốt lõi tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn, đồng thời bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái tại địa phương.
Tiến sỹ Trần Quốc Hùng (Học viện Dân tộc) cho rằng phát triển đa dạng, phong phú sản phẩm, dịch vụ du lịch, các địa phương cần chú ý tính đặc thù của từng điểm du lịch cộng đồng tránh trùng lặp, cần “chắt lọc” xây dựng sản phẩm từ các dạng tài nguyên du lịch và căn cứ vào thị hiếu, tâm lý du khách.
Bên cạnh đó cần chú ý bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng làm du lịch cho đội ngũ lao động trực tiếp tại điểm du lịch cộng đồng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để ngành kinh tế tổng hợp này phát triển bền vững, đem lại lợi ích tối đa cho đồng bào các dân tộc.
Hiện nay, tại một số địa phương, lực lượng lao động chính trong hoạt động du lịch cộng đồng là người dân bản địa còn thiếu tính chuyên nghiệp trong tổ chức và khả năng ngoại ngữ để giới thiệu cái hay, cái đẹp của địa phương mình đến du khách.
Đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn trải nghiệm văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lấy ví dụ cụ thể điểm đến làng gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, Thạc sỹ Hồ Lưu Phúc (Trường Đại học Văn Hiến) cho rằng điểm đến này có thể phát triển thêm các sản phẩm trải nghiệm văn hóa làng Chăm “giữ chân” du khách trong thời gian dài hơn, vào buổi tối. Đó có thể là hoạt động trải nghiệm du khách cùng làm và thưởng thức một số loại bánh dân gian Chăm, giao lưu văn nghệ, biểu diễn nhạc cụ của đồng bào Chăm.
Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm này hiệu quả, địa phương, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và ngành chức năng cần có sự phối hợp, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch toàn thiện hơn. Các tiết mục biểu diễn, giao lưu nghệ thuật cần có kịch bản phù hợp, đặc sắc. Sản phẩm du lịch trải nghiệm ẩm thực cần quan tâm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, mang lại sự hài lòng cho du khách./.
Ý kiến ()