Phái đoàn phiến quân Houthi tới Thụy Điển tham gia đàm phán hòa bình
Ngài 4/12, phái đoàn của lực lượng phiến quân Houthi cùng Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen Martin Griffiths đã tới thủ đô Stockholm, Thụy Điển, để tham gia vòng đàm phán hòa bình với Chính phủ Yemen nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Một máy bay của Kuwait chở phái đoàn Houthi từ thủ đô Sanaa tới Stockholm sau khi lực lượng này và Chính phủ Yemen đạt thỏa thuận trao đổi hàng trăm tù nhân, theo đó 50 tay súng Houthi bị thương ở Sanaa đã được đến thủ đô Muscat của Oman để chữa trị, trong một nỗ lực thúc đẩy vòng đàm phán hòa bình tổ chức tại Thụy Điển.
Dự kiến, phái đoàn đàm phán của Chính phủ Yemen do Ngoại trưởng Khaled al-Yamani dẫn đầu sẽ tới Thụy Điển ngày 5/12.
Hiện thời điểm bắt đầu tiến hành đàm phán chưa được công bố, song các nguồn tin của Chính phủ Yemen cho biết họ có thể bắt đầu đàm phán vào ngày 6/12.
Cuộc đàm phán sắp diễn ra đã nhận được tín hiệu tích cực sau khi người đứng đầu phái đoàn Houthi, ông Mohammed Abdul-Salam ngày 4/12 cam kết sẽ nỗ lực hết sức để các cuộc đàm phán ở Thụy Điển thành công.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ông Abdul-Salam nêu rõ: “Chúng tôi sẽ thực hiện mọi nỗ lực để đạt được thành công trong các cuộc đàm phán, thiết lập hòa bình, chấm dứt chiến tranh.”
Giới quan sát nhận định các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ tại Thụy Điển có thể là cơ hội mang lại hòa bình cho Yemen sau 4 năm xung đột.
Cùng ngày, Mỹ đã bày tỏ hoan nghênh cuộc đàm phán hòa bình Yemen ở Thụy Điển, coi đây là “bước đầu tiên cần thiết và quan trọng.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: “Mỹ không ảo tưởng rằng tiến trình này sẽ dễ dàng, song hoan nghênh bước đi đầu tiên cần thiết và rất quan trọng này.”
Bà Nauert kêu gọi các bên liên quan tích cực tham dự tiến trình và ngừng tất cả các hành động thù địch. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “đã đến lúc người Yemen phải thay xung đột bằng hòa giải và cùng nhau mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước Yemen.”
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận.
Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi. Các nỗ lực thúc đẩy tiến hành đàm phán hòa bình hồi tháng 9 vừa qua tại Thụy Sĩ đã thất bại do Houthi không tham dự.
Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy kể từ khi liên quân Arab bắt đầu tham gia vào cuộc xung đột ở Yemen hồi năm 2015 cho đến nay đã có gần 10.000 người thiệt mạng và cuộc chiến này đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất trên thế giới./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()