Phải có chế tài đủ mạnh xử lý cả hành vi đưa và nhận hối lộ
Sáng 12-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Ðại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 12 năm 2013 với chủ đề: Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác PCTN. Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến.
Sáng 12-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Ðại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 12 năm 2013 với chủ đề: Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác PCTN. Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến.
Phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã dành sự quan tâm lớn cho công tác đấu tranh PCTN. Năm 2012, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã sửa đổi Luật PCTN. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN được thành lập do đồng chí Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng làm Trưởng ban.
Phó Thủ tướng khẳng định, công tác PCTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2007 quy định rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong công tác PCTN.
Chia sẻ với nhiều ý kiến tại Ðối thoại này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm vấn đề:
Thứ nhất, nhận thức xã hội thường cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, doanh nghiệp phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, Ðối thoại này cho thấy điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác là nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý.
Vì thế, một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, coi hối lộ như một “giải pháp” tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.
Thứ hai, hoạt động quản trị doanh nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa; đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng bản sắc riêng tạo thành văn hóa doanh nghiệp, trong đó việc cam kết về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và thực hành liêm chính phải được coi là những giá trị cốt lõi.
Thứ ba, thực hiện liêm chính trong kinh doanh là việc cần thiết, nhưng nếu chỉ một vài doanh nghiệp hành động đơn lẻ thì sẽ rất khó thành công, vì họ có thể bị phân biệt đối xử, có thể mất cơ hội kinh doanh. Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải giữ vai trò quan trọng, là người đề xuất, tổ chức thực hiện các sáng kiến trong cộng đồng các doanh nghiệp thành viên, thực hiện liêm chính.
Thứ tư, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin, phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức nhà nước.
Thứ năm, phải có cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch để hành vi tham nhũng khó có thể phát sinh và tồn tại.
Phó Thủ tướng nêu rõ, mặc dù cơ bản các doanh nghiệp FDI đã nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật Việt Nam, thực hành liêm chính, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu xã hội của Việt Nam, song vẫn còn có doanh nghiệp tận dụng những sơ hở trong thể chế kinh tế và việc kiểm tra, kiểm soát để gian lận trong kinh doanh, chuyển giá, trốn thuế hay vi phạm các chuẩn mực môi trường.
Phó Thủ tướng kêu gọi các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế bày tỏ thái độ, có hành động cần thiết để các doanh nghiệp FDI tuân thủ pháp luật và thực thi liêm chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Các đại biểu đã thảo luận về vai trò của doanh nghiệp trong PCTN; về xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử trong hoạt động của doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, phi tham nhũng; về những thách thức của doanh nghiệp khi phải đối mặt với nạn tham nhũng trong hoạt động kinh doanh và khuyến nghị từ các doanh nghiệp.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()