Phải bắt đầu từ đổi mới cơ chế quản lý, điều hành
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đang làm nóng dư luận. Trên các diễn đàn nhiều cán bộ, chuyên gia nghiên cứu chính trị có uy tín đã có những ý kiến tâm huyết đối với Đảng.Mong muốn lớn nhất, duy nhất của họ là làm sao qua thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 Đảng ta thật sự được củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là một cán bộ, đảng viên đang công tác, tôi có một số ý kiến đóng góp về cách thức tiến hành để công cuộc chỉnh đốn Đảng lần này đạt được kết quả cao nhất. Đó là về vấn đề đổi mới cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành trong hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước.Theo quy định pháp luật và Điều lệ Đảng, tất cả cơ quan nhà nước, mọi cán bộ, đảng viên đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp...
Mong muốn lớn nhất, duy nhất của họ là làm sao qua thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 Đảng ta thật sự được củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là một cán bộ, đảng viên đang công tác, tôi có một số ý kiến đóng góp về cách thức tiến hành để công cuộc chỉnh đốn Đảng lần này đạt được kết quả cao nhất. Đó là về vấn đề đổi mới cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành trong hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước.
Theo quy định pháp luật và Điều lệ Đảng, tất cả cơ quan nhà nước, mọi cán bộ, đảng viên đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không ai có thể đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Điều này được thể hiện tại Hiến pháp năm 1992: 'Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong… Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật'. Thể chế chính trị nước ta quy định, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, Đảng phải có cơ chế hoạt động theo đặc thù để thực hiện quyền lãnh đạo toàn diện của mình. Vì vậy, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng có sự liên quan trực tiếp đến đổi mới cơ chế vận hành của pháp luật, của các cơ quan nhà nước. Thực chất đây là mối quan hệ nhân – quả, liên quan trực tiếp đến cơ chế tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Theo chúng tôi, Đảng phải triển khai có hiệu quả các biện pháp sau đây:
Trước hết, chống sự tập trung quyền lực vào một cá nhân người đứng đầu vì không ít tổ chức đảng không thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Chúng ta thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, quá đề cao trách nhiệm tập thể nên phần nào đã cản trở, kìm hãm sự phát triển của đất nước, khi có quá nhiều người cùng lãnh đạo, cùng quyết một vấn đề, dẫn đến việc lớn việc nhỏ đều dựa vào tập thể, không ai dám quyết, không ai dám chịu trách nhiệm. Và để khắc phục tình trạng này chúng ta lại thực hiện đề cao trách nhiệm cá nhân – người đứng đầu. Nhưng việc tổ chức thực hiện chưa tốt, vô hình trung, quyền lực lại quá tập trung vào người đứng đầu và ý kiến tập thể lại bị xem nhẹ, lu mờ. Việc thực hiện trách nhiệm cá nhân là phù hợp, đúng đắn, tuy nhiên chúng ta chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực một cách có hiệu quả, dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, cục bộ, cá nhân, bè phái, thiếu dân chủ… trong chỉ đạo, điều hành, đề bạt, bố trí cán bộ. Đây là nguyên nhân chính, cơ bản, làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thứ hai, phải coi trọng chất lượng sinh hoạt tại tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của mỗi tổ chức đảng. Thực hiện tốt chức năng lãnh đạo, giám sát mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị của tổ chức cơ sở đảng, tránh sinh hoạt hình thức, ngại đấu tranh, ngại va chạm. Không quá khi cho rằng, hiện có nhiều tổ chức cơ sở đảng bị tê liệt, vô hiệu hóa, không phát huy được vai trò lãnh đạo của mình, nhất là từ khi Đảng thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Minh chứng là các sai phạm, tiêu cực chỉ bị phanh phui, phát hiện từ các cuộc thanh tra, kiểm tra hoặc thông qua hoạt động của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan báo chí hoặc từ sự tố giác của quần chúng nhân dân, tổ chức cơ sở đảng phát hiện đảng viên vi phạm, tiêu cực còn rất ít.
Thứ ba, phải tôn trọng ý kiến và chịu sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả của quần chúng; thực hiện tốt việc lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thông qua việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức hằng năm đối với người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước một cách công khai, minh bạch. Phải thật sự dân chủ, khách quan trong công tác cán bộ; trong bầu cử, ứng cử. Tránh bầu cử một cách hình thức, quá nặng nề về cơ cấu. Điều này sẽ gây tác hại rất lớn cho Đảng như làm mất uy tín của Đảng nếu bố trí cán bộ không xứng đáng, lãng phí nhân tài, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc Quy định một người giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ. Việc áp dụng quy định này hiện chỉ mới thực hiện ở chính quyền các cấp (chức danh Chủ tịch UBND các cấp). Riêng đối với các cơ quan nhà nước theo ngành dọc hiện chưa làm tốt quy định này. Thường thì một khi đã được bổ nhiệm đứng đầu các cơ quan này nếu không vi phạm kỷ luật gì thì giữ chức vụ đó đến khi… về hưu. Do đó, rất khó ngăn ngừa tình trạng bè phái, cục bộ, con ông, cháu cha, trù dập những người dám đấu tranh chống tiêu cực… Nếu không khắc phục được tình trạng này thì dù các cơ quan chức năng có đề ra bao nhiêu nghị quyết, triển khai bao nhiêu biện pháp thì hiệu quả thu được chẳng là bao.
Theo chúng tôi, để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được những chuyển biến rõ rệt như mong đợi thì trước hết Đảng phải lãnh đạo đổi mới cơ chế hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước. Có như vậy mới góp phần làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, 'mãi mãi trường tồn' như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Theo Nhandan
Ý kiến ()