LSO - Ngày 23/2/2012, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI đã chính thức công bố bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011. Lạng Sơn đã tiến 6 bậc so với kết quả năm 2010 từ vị trí thứ 59/63 tỉnh thành lên vị trí thứ 53, đạt 54,24 điểm. Như vậy, từ nhóm các tỉnh thành có năng lực cạnh tranh tương đối thấp, Lạng Sơn đã vượt qua nhóm trung bình để lần đầu tiên bước vào nhóm có năng lực cạnh tranh khá. “Mong manh” vị trí thứ 53 Tiếp nhận thông tin thăng hạng PCI, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn cho rằng, kết quả trên đã phản ánh đúng những nỗ lực của các cấp chính quyền, đặc biệt là trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thử thách trong năm 2011. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn cũng khẳng định: để Lạng Sơn có vị trí vững vàng trong nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh khá, sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng...
LSO – Ngày 23/2/2012, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI đã chính thức công bố bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011. Lạng Sơn đã tiến 6 bậc so với kết quả năm 2010 từ vị trí thứ 59/63 tỉnh thành lên vị trí thứ 53, đạt 54,24 điểm. Như vậy, từ nhóm các tỉnh thành có năng lực cạnh tranh tương đối thấp, Lạng Sơn đã vượt qua nhóm trung bình để lần đầu tiên bước vào nhóm có năng lực cạnh tranh khá.
“Mong manh” vị trí thứ 53
Tiếp nhận thông tin thăng hạng PCI, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn cho rằng, kết quả trên đã phản ánh đúng những nỗ lực của các cấp chính quyền, đặc biệt là trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thử thách trong năm 2011. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn cũng khẳng định: để Lạng Sơn có vị trí vững vàng trong nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh khá, sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất chính là làm sao để giữ vững được những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và tạo bước đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Sàn kinh doanh vàng Quốc tế được khai trương tại Lạng Sơn ngày 23/2/2012
Tăng 6 bậc trên bảng xếp hạng PCI chưa hẳn là một bước đột phá của Lạng Sơn, bởi tại hội nghị bàn các giải pháp nâng cao chỉ số PCI do UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI tổ chức vào tháng 8/2011, mục tiêu đặt ra là đưa Lạng Sơn lọt vào nhóm 50, tức là nằm sâu trong nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh khá. Vị trí thứ 53 hiện tại của Lạng Sơn nếu xếp theo “bảng màu” của PCI thì vẫn nằm ở vị trí áp chót của nhóm khá, chứng kiến sự thăng hạng, tụt hạng đầy bất ngờ của PCI năm 2011 như cuộc “soán ngôi ngoạn mục” của Lào Cai, việc “đánh mất phong độ” của Đà Nẵng, hay sự “xuống dốc” của Hà Nội…thì vị trí thứ 53 ấy quả thực là rất mong manh. Bảng xếp hạng PCI là một “hàn thử biểu” mang tính tham chiếu và việc thăng hạng PCI không phải là một cuộc đua tranh để đoạt vị trí dẫn đầu, nhưng PCI chính là sự nhìn nhận, đánh giá của doanh nghiệp đối với năng lực quản, điều hành của chính quyền, PCI chính là sự hài lòng của doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại địa phương. “Cuộc cách mạng” trong thăng hạng PCI của Lào Cai chính là một tấm gương đáng để học tập về việc tạo những bước đột phá trong quả lý, điều hành và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời sự tụt hạng của Đà Nẵng cũng là bài học lớn về việc “ngủ quên trên chiến thắng” và để mất đi phong độ. Tạo đột phá trong PCI hay hài lòng với vị trí thứ 53, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và sự quan tâm của các cấp, ngành đối với chỉ số này…
Doanh nghiệp: hy vọng sẽ có những bước đột phá mới
Trao đổi với chúng tôi, ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn khẳng định: vị trí thứ 53, tăng 6 bậc trên bảng xếp hạng chính là sự ghi nhận của các doanh nghiệp đối với những cố gắng, nỗ lực của Lạng Sơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực quản lý, điều hành . Đặc biệt trong năm 2011, năm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khối dân doanh gặp rất nhiều khó khăn, chính quyền các cấp và các sở, ngành của Lạng Sơn đã luôn sát cánh, tích cực hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp. Tại buổi hội thảo nâng cao chỉ số PCI được tổ chức vào tháng 8/2011, chúng tôi cũng thấy rõ những quyết tâm của Lạng Sơn trong việc cải thiện điểm số thuộc 9 tiêu chí đánh giá PCI và quyết tâm đó đã được thể hiện bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực, được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo ông Toản thì Lạng Sơn cần thực sự tạo ra bước đột phá mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu những ách tắc cho doanh nghiệp trong việc gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin…Theo nhận định, Lạng Sơn hoàn toàn có đủ các điều kiện để tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ như tỉnh Lào Cai đã và đang làm hiện nay, vấn đề là việc hiện thực hóa quyết tâm. Ông Toản khẳng định: mỗi bước tiến trên bảng xếp hạng PCI của Lạng Sơn chính là thành quả mà các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất, bởi mỗi bước tiến ấy là sự cải thiện đáng kể về năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, là sự thông thoáng, thuận tiện hơn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp thực sự hài lòng trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại Lạng Sơn, vị trí trên bảng xếp hạng PCI của tỉnh chắc chắn sẽ không còn “mong manh” như hiện nay nữa.
Trong quá trình xem xét, đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, đã có nhiều ý kiến cho rằng: đối với các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, phiếu đánh giá điểm cần được gửi cho cả những doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn. Trong những năm gần đây, Lạng Sơn thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm hiện đại hóa công tác quản lý xuất nhập khẩu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Những nỗ lực trên nhận được phản hồi rất tích cực từ các doanh nghiệp. Nếu có được lượng phiếu đánh giá từ các doanh nghiệp này, chỉ số PCI của Lạng Sơn chắn chắn sẽ có những bước tiến đáng kể trên bảng xếp hạng.
Ý kiến ()