Paralympic Tokyo 2020: Những vận động viên mang nhiều kỳ vọng nhất
Markus Rehm, Beatrice Vio, Tatyana McFadden, Shingo Kunieda, Husnah Kukundakwe là 5 vận động viên mang nhiều kỳ vọng nhất tại kỳ Paralympic lần này, theo đánh giá của hãng tin AFP (Pháp).
Paralympic Tokyo 2020 sẽ khai màn tối 24/8 sau một năm buộc phải trì hoãn do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Dưới đây là 5 vận động viên mang nhiều kỳ vọng nhất tại kỳ Paralympic lần này, theo đánh giá của hãng tin AFP (Pháp).
1. Markus Rehm (Đức)
Kể từ ngôi vô địch thế giới đầu tiên trong sự nghiệp vào năm 2011, vận động viên nhảy xa người Đức đã liên tiếp giành được nhiều thành công và được đánh giá là ứng viên nặng ký cho tấm huy chương Vàng Paralympic Tokyo 2020.
Tại Brazil năm 2016, Markus Rehm là chủ nhân của 2 huy chương Vàng nhảy xa và điền kinh cự ly 400m.
Rehm đang hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao thành tích sau khi phá kỷ lục thế giới ở nội dung nhảy xa T64 hồi tháng 6 vừa qua. vận động viên 33 tuổi đã đạt thành tích 8,62m tại Giải vô địch châu Âu ở Ba Lan – phá kỷ lục trước đó tới 14cm.
Cú nhảy này đủ tầm để giành huy chương Vàng ở mọi kỳ Paralympic kể từ năm 1992 và chỉ kém kỷ lục thế giới của Mike Powell (một vận động viên không khuyết tật) 33cm.
2. Beatrice Vio (Italy)
Tay đua xe lăn này là một biểu tượng thể thao ở Italy, nơi cô là khách mời thường xuyên của Tuần lễ thời trang Milan và có hơn một triệu người theo dõi trên Instagram.
Cô gái 24 tuổi, được biết đến với cái tên “Bebe,” bắt đầu sự nghiệp kiếm thủ khi mới 5 tuổi. Tuy nhiên, căn bệnh viêm màng não xảy đến năm 11 tuổi, đã khiến Beatrice Vio bị cắt cụt cả hai chân và cẳng tay.
Không chịu khuất phục số phận, Beatrice Vio đã dồn sức tập luyện đấu kiếm trên xe lăn và qua đó trở thành vận động viên đấu kiếm đầu tiên trên thế giới không có tay hoặc chân. Cô thậm chí còn giành được một huy chương Vàng và một huy chương Đồng tại Paralympic Rio 2016 (Brazil).
Tuy thừa nhận có đôi chút “sợ hãi” khi trở lại Paralympic do đã không thể thi đấu trong suốt 2 năm qua vì đại dịch COVID-19 nhưng Beatrice Vio cho biết: “Tôi rất hạnh phúc khi được ở đây, tôi nhớ những cảm xúc của các cuộc tranh tài.”
3. Tatyana McFadden (Mỹ)
Huyền thoại đua xe lăn McFadden đã có 17 huy chương Paralympic của riêng mình nhưng cô vẫn đang nhắm tới những mục tiêu cao hơn tại kỳ Thế vận hội mùa hè thứ 5 trong sự nghiệp.
Tatyana McFadden, sinh ra ở Nga và lớn lên trong trại trẻ mồ côi cho đến khi được một gia đình nhận nuôi vào năm cô 6 tuổi. Không chỉ góp mặt ở nội dung đua xe lăn, Tatyana McFadden cũng đã từng thi đấu môn trượt tuyết băng đồng tại Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014 (Nga).
Tầm ảnh hưởng của cô cũng đã vượt ra khỏi phạm vi trường đấu khi cô còn là nhà vận động cho quyền bình đẳng, góp phần thúc đẩy để Mỹ trao tiền thưởng cho những vận động viên Paralympic đoạt huy chương cũng tương đương với các vận động viên Olympic đạt thành tích này.
McFadden phát hiện cục máu đông vào năm 2017. Thoạt đầu, điều này đã khiến cô lo sợ rằng sự nghiệp của mình sẽ phải chấm dứt, thế nhưng cô đã vượt qua nghịch cảnh để ngày càng thành công hơn.
Chia sẻ với tạp chí Forbes, McFadden cho biết: “Tôi đã đi một chặng đường dài và cuối cùng tôi đang lấy lại tốc độ và đạt được tốc độ mà tôi chưa từng đạt được trước đây. Tôi đã thay đổi rất nhiều, đó là một cơ thể mới, một con người mới, một tư duy mới. Tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn.”
4. Shingo Kunieda (Nhật Bản)
Vận động viên quần vợt xe lăn số 1 thế giới này được kỳ vọng sẽ mang về vinh quang cho nước chủ nhà Nhật Bản tại Paralympic năm nay.
Shingo Kunieda bị chẩn đoán mắc bệnh u tủy sống khi mới 9 tuổi. Trong sự nghiệp của mình, anh đã giành được 3 huy chương Vàng Paralympic, 2 huy chương Đồng Paralympic và hơn 100 danh hiệu khác ở các nội dung đánh đơn đơn và đánh đôi hỗn hợp.
Shingo Kunieda trở thành vận động viên quần vợt trên xe lăn đầu tiên giành được 2 danh hiệu vô địch đơn nam Paralympic liên tiếp, với các chiến thắng vào năm 2008 và 2012. Tuy nhiên, chấn thương khuỷu tay đã cản bước anh tiếp nối thành tích này tại Rio 2016. Do đó, Kunieda đang quyết tâm hơn bao giờ hết để đòi lại danh hiệu vô địch Paralympic ngay trên sân nhà.
Chia sẻ với tạp chí của Liên đoàn quần vợt quốc tế, tay vợt này khẳng định: “Giành huy chương Vàng ở Tokyo là mục tiêu lớn nhất của tôi. Mặc dù tôi đã từng có 3 huy chương Vàng ở các kỳ Paralympic trước đó, nhưng huy chương Vàng ở Tokyo vẫn là điều đặc biệt và rất có ý nghĩa đối với tôi.”
5. Husnah Kukundakwe (Uganda)
Dù không phải là tên tuổi lớn nhưng sự góp mặt của Husnah Kukundakwe tại Paralympic Tokyo 2020 được kỳ vọng sẽ làm thay đổi quan điểm về người khuyết tật tại Uganda. Nữ vận động viên 14 tuổi cũng là đại diện duy nhất của quốc gia này tại môn bơi lội.
Kukundakwe sinh ra không có cẳng tay phải và cũng bị khuyết tật ở tay trái. Tuy nhiên, cô đang muốn dùng chính những khiếm khuyết trên cơ thể mình để thay đổi thái độ của đồng bào ở Uganda – nơi những người khuyết tật “không được coi là bình thường.”
Husnah Kukundakwe đã luyện tập cùng những vận động viên không bị khuyết tật và lần đầu thi đấu cấp độ thế giới tại Giải vô địch năm 2019 ở London (Anh).
Tại Paralympic Tokyo 2020, cô tranh tài ở nội dung bơi ếch cự ly 100m, với mục tiêu trở thành vận động viên trẻ tuổi nhất vượt qua vòng loại.
Husnah Kukundakwe cho biết môn bơi đã mang lại cho cô sự tự tin, cho phép cô bỏ đi những chiếc áo len rộng thùng thình mà cô thường mặc để che cánh tay và bàn tay.
Cô chia sẻ: “Tôi thực sự không kỳ vọng nhiều vào thành tích tại Paralympic, vì đây là lần đầu tiên tôi tham gia giải đấu này. Tôi chỉ cần có cơ hội được ở đây và cho những người trẻ tuổi khác cũng đang muốn tham gia Paralympic thấy rằng họ nên nỗ lực và quyết tâm thực hiện những gì họ tin tưởng”./.
Ý kiến ()