Paolo Rossi, “kẻ hành quyết” làm thay đổi tiến trình bóng đá
Mãi mãi, người hâm mộ bóng đá không bao giờ có thể quên Paolo Rossi. Trong mùa hè 1982, ông đã cho tất cả thấy vẻ đẹp khác của bóng đá, hiện thực và con người hơn.
Những người yêu bóng đá thường mơ tưởng tới cái gọi là bóng đá đẹp. Và năm 1982, ĐT Brazil đã biến giấc mơ hoang đường ấy thành hiện thực. Những chàng trai xứ sở samba đã chơi, chính xác là trình diễn, thứ bóng đá đẹp mê hồn mà họ gọi là Joga Bonito.
Tại kỳ World Cup diễn ra dưới ánh mặt trời chói chang Tây Ban Nha, những Zico, Socrates, Junior và Falcao biến bóng đá thành nghệ thuật. Bước chạy của họ tựa vần thơ, những đường chuyền đẹp như điệu nhạc và bàn thắng thực sự là các tuyệt tác của thời Phục hưng.
Nhưng bóng đá, rốt cuộc vẫn là bóng đá. Nó tàn nhẫn và phản ánh hiện thực hơn là cung cấp sự lãng mạn. Paolo Rossi xuất hiện để đưa tất cả về mặt đất. Hay nói theo cách của Zico, bóng đá đã chết dưới tay tiền đạo khẳng khiu người Italia, kẻ sát thủ máu lạnh đang tâm kết liễu những hiệp sĩ mộng mơ. Người Brazil sau này gọi anh là O Carrasco, tức Kẻ hành quyết.
Trong trận quyết định tấm vé vào bán kết ở vòng bảng thứ 2, Rossi lập hat-trick để chấm dứt hành trình World Cup của Brazil. Cứ mỗi khi Zico cùng đồng đội tìm được bàn gỡ hòa, Rossi lại đưa người Italia vượt lên. “Cho dù chúng tôi có ghi 5 bàn ngày hôm đó, anh ta sẽ ghi 6 bàn bởi luôn tìm ra và trừng phạt các sai lầm của chúng tôi”, “Pele trắng” than thở.
Thật kỳ lạ bởi trước khi đối đầu với Brazil, Rossi đã im tiếng suốt 4 trận trước đó. 3 trận đầu tiên ở vòng bảng thứ nhất, Rossi vật vờ như một bóng ma. Anh di chuyển không mục đích và nhiều người phải kinh ngạc trước sự kiên nhẫn của HLV Enzo Bearzot. Hẳn một thế lực siêu nhiên nào đó sai khiến, ông mới giữ Rossi trên sân mà đôi khi, không ai hiểu anh ta ở trên sân để làm gì.
Phong độ tồi tệ ấy hoàn toàn có thể giải thích được. 8 tuần trước trận đấu với Brazil, Rossi còn đang thụ án treo giò 2 năm. Anh không chơi trong suốt thời gian đó, tìm vui ở Tuscany, trong nông trang sản xuất rượu vang và ép dầu ô-liu của gia đình. Quãng thời gian quá ngắn để chuẩn bị cho World Cup không đủ giúp các cơ bắp săn chắc lại, trong khi Rossi vốn đã nổi tiếng mỏng manh và yếu đuối.
Các bàn thắng chưa đến không làm Rossi nhụt chí và HLV Bearzot nản lòng. Cứ 10 rưỡi tối, đầu bếp của đội tuyển lại mang lên phòng anh một cốc sữa nóng và chiếc bánh sừng bò. Và khi bắt đầu mỗi buổi tập, Bearzot lại vỗ vai Rossi, nói rằng đừng lo lắng, chỉ nghĩ về trận tiếp theo.
Trận thứ 4 với Argentina của Diego Maradona trẻ tuổi, Rossi vẫn không nổ súng. Nhưng anh cảm nhận mình đang tốt dần lên, bắt kịp tiến độ trận đấu và hòa vào nhịp điệu của đội. Rồi khi chạm trán Brazil, bàn thắng tới ngay phút thứ 5. Đó là lúc Rossi cảm thấy mình được giải phóng, tựa như một người vừa cởi bỏ bộ quần áo ướt dính chặt lên thân thể. Và anh ghi bàn thứ 2 sau đó 20 phút, trước khi đóng đinh trận đấu ở phút 74.
Không ai còn có thể ngăn cản Rossi. Anh tiếp tục lập cú đúp trong chiến thắng 2-0 trước Ba Lan ở trận bán kết, và mở tỷ số trong trận chung kết, truyền cảm hứng để Italia đánh bại Tây Đức.
Nhưng những gì diễn ra ở World Cup 1982 không chỉ khiến Italia làm nên lịch sử, mà còn thay đổi cả tiến trình bóng đá. Người ta bắt đầu coi trọng kết quả, nghĩ nhiều về cách phá vỡ lối chơi của đối thủ hơn và tìm kiếm các sai lầm hơn là xây dựng bóng đá đẹp.
“Thất bại của Brazil không có lợi cho bóng đá thế giới”, Zico nói vào nhiều năm sau, cho thấy ông vẫn bị ám ảnh bởi trận thua Italia, chính xác là thua Rossi.
Tuy nhiên, sẽ rất sai lầm nếu nói rằng Rossi là người giết chết bóng đá đẹp. Trước hết, cần hiểu một điều, bóng đá với Rossi không phải trò chơi thuần túy. Anh coi nó là chiếc phao cứu sinh của cuộc đời.
Thoạt đầu, mọi thứ như một giấc mơ với Rossi, khi anh là thần tượng của nước Italia với vô số bàn thắng ghi cho Vicenza và Perugia. Nhưng đột nhiên tất cả kết thúc. Anh bị ném xuống vực thẳm với cáo buộc dàn xếp tỷ số. Không có phiên tòa nào cho Rossi, nhưng anh bị treo giò 3 năm, sau đó giảm xuống còn 2. Không ai tin những lời kêu oan, và Rossi sụp đổ. Anh chán ghét bóng đá, toan từ giã sân cỏ và thề không bao giờ khoác áo tuyển Italia một lần nữa.
Nhưng rồi Rossi quay trở lại. Anh dùng bóng đá để tự minh oan cho bản thân, và bác bỏ các cáo buộc thông qua khát khao chiến thắng, ý chí thành công tột cùng. Bóng đá có thể tàn nhẫn với Zico, nhưng là sự cứu chuộc với Rossi. Từ một thần tượng bị ruồng bỏ, ông trở thành người hùng, biểu tượng vĩnh cửu. Và Rossi cũng không “hành quyết” bóng đá đẹp. Ông vẫn cho tất cả thấy cái đẹp của bóng đá, nhưng dưới một góc độ khác, hiện thực và con người hơn.
Ý kiến ()