Palestine khẳng định duy trì mục tiêu xây dựng hòa bình với Israel
Người dân Palestine vẫn cam kết chỉ xây dựng hòa bình với Israel. Lời khẳng định trên được Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (Ma-mút Áp-bát) đưa ra ngày 13/9 sau cuộc gặp với lãnh đạo 3 tôn giáo chính gồm Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo tại trụ sở ở Ramallah (Ra-ma-la).
Tổng thống Abbas nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng hòa bình với Israel dựa trên cơ sở các nghị quyết quốc tế liên quan đến giải pháp thành lập hai nhà nước phù hợp với đường biên giới năm 1967, trong đó có xác định Đông Jerusalem (Giê-ru-xa-lem) là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Ông khẳng định đây cũng là khát vọng của người dân Palestine về một quốc gia độc lập và mở cửa đối với 3 tôn giáo chính là Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo. Thủ tướng Abbas còn cho rằng Palestine là một hình mẫu và tấm gương về hòa bình xã hội và việc cùng chung sống.
Trong khi đó, lãnh đạo của 3 tôn giáo chính tại lãnh thổ Palestine cũng khẳng định sự ủng hộ đối với chính sách của chính quyền Tổng thống Abbas trong mục tiêu đạt nguyện vọng tự do và độc lập của người dân Palestine.
Dự kiến, Tổng thống Abbas sẽ có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 27/9 tới. Theo ông Ahmad Majdalani (A-mát Mát-đa-la-ni), một quan chức cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), bài phát biểu của ông Abbas lần này sẽ đề ra hướng đi mới trong thời gian tiếp theo nhằm đối phó với chính sách và biện pháp của Mỹ và Israel chống lại nguyện vọng của người dân Palestine.
Hồi tháng 2/2018, Tổng thống Abbas đã trình bày một kế hoạch hoà bình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), kêu gọi tổ chức hội nghị hoà bình quốc tế và thành lập một cơ chế đa quốc gia để hỗ trợ tiến trình hoà bình. Kế hoạch này dựa trên thực hiện giải pháp hai nhà nước, phù hợp với đường biên giới 1967 và nhằm mang lại độc lập, tự do cho người dân Palestine cùng với việc thừa nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại chuẩn bị một kế hoạch hoà bình mới với tên gọi là “Thoả thuận thế kỷ” và bác bỏ kế hoạch của ông Abbas.
Các quan hệ giữa chính quyền Mỹ và chính quyền Palestine đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Trump thông báo Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Palestine đã ngừng mọi cuộc tiếp xúc với chính quyền Mỹ và coi Washington không còn đóng vai trò hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông nữa. Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng đã ngừng hỗ trợ tài chính đối với các hoạt động nhân đạo cho người tị nạn Palestine cũng như chấm dứt một khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD cho Palestine.
Tiến trình hòa bình Trung Đông đã bị ngưng trệ kể từ năm 2014 sau 9 tháng tiến hành dưới sự bảo trợ của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua tại khu vực này./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()