Pakistan đứng trước tương lai bất định
Cuộc tổng tuyển cử ở Pakistan sẽ được tổ chức vào cuối tháng 1-2024 thay vì tháng 11-2023 như dự kiến. Một dấu hiệu cho thấy tương lai bất định ở Pakistan khi quốc gia này phải đối mặt với những bất ổn về an ninh, chính trị và kinh tế kéo dài.
Sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ, Washington đã tiến hành chiến tranh chống lại Taliban ở Afghanistan. Khi đó, Pakistan bị nghi ngờ là “sân sau”, là đồng phạm của các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Xung đột kéo dài hai thập kỷ đã làm rung chuyển sâu sắc Pakistan: Bất ổn chính trị gia tăng giữa chính quyền dân sự và quân đội; nền kinh tế trên bờ vực thẳm; mối đe dọa an ninh thường trực, đặc biệt càng trở nên trầm trọng hơn khi Taliban quay trở lại Kabul, nắm quyền ở Afghanistan vào ngày 15-8-2021.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan bùng phát sau khi Thủ tướng Imran Khan và Đảng Phong trào Công lý Pakistan (PTI) của ông bị phế truất vào tháng 4-2022, đẩy Pakistan rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Một ngày sau đó, ông Shehbaz Sharif, em trai của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đang sống lưu vong ở Anh, được bầu làm thủ tướng thay ông Imran Khan. Sau khi ông Shehbaz Sharif mãn nhiệm hồi tháng 8 vừa qua, Thượng nghị sĩ Anwaar-ul-Haq Kakar đã được lựa chọn làm thủ tướng tạm quyền của Pakistan để giám sát các cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, ngày 21-9 vừa qua, cơ quan bầu cử Pakistan thông báo cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 1-2024 do phải xác định lại các khu vực bầu cử mới sau cuộc điều tra dân số mới. Thậm chí, ngày 30-9, cựu Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi (giai đoạn 2017-2018) còn cho rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ tiếp tục bị trì hoãn sang tháng 2 hoặc tháng 3-2024 do mùa đông ở Pakistan rất khắc nghiệt.
Quyết định dời ngày tổng tuyển cử sang năm sau gây ra những phản ứng trái chiều. Theo Hiến pháp Pakistan, nếu Quốc hội giải tán trước thời hạn thì tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong vòng 90 ngày sau đó. Vì vậy, nhiều chính trị gia Pakistan cho rằng, cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm sau sẽ không đáp ứng được thời hạn trên.
Thay đổi thời điểm tổng tuyển cử đang gây chia rẽ giữa các đảng phái chính trị ở Pakistan. Ảnh: Reuters |
Trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới, một câu hỏi được đặt ra là liệu Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) do gia tộc Sharif lãnh đạo và Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) do gia tộc Bhutto lãnh đạo có tiếp tục duy trì liên minh Phong trào Dân chủ Pakistan (PDM) lập ra trước đó hay sẽ hành động một mình? Các nhà lãnh đạo PML-N cho biết, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đang lên kế hoạch trở về nước vào ngày 21-10 tới. Liệu ông Nawaz-người không che giấu tham vọng chạy đua chiếc ghế thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử tới-có thể trở về Pakistan mà không bị truy tố? Giới chuyên gia cho rằng ở thời điểm hiện tại khó có thể đoán trước được điều gì.
Một trong những khó khăn khác mà Pakistan đang phải đối mặt hiện nay đó là bất ổn kinh tế. Ngày 2-9 vừa qua, sự sụt giá của đồng rupee và chi phí sinh hoạt tăng vọt (tăng 27,4% so với cùng kỳ tháng 8) đã cản trở nỗ lực kiểm soát giá cả của chính phủ, dẫn đến việc hàng nghìn tiểu thương Pakistan đình công và đóng cửa cửa hàng.
Theo AFP, Pakistan đang trên bờ vực vỡ nợ trước khi được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chấp nhận thỏa thuận giải cứu vào phút chót với điều kiện Islamabad phải giảm các khoản trợ cấp vốn giúp giảm lạm phát. Thỏa thuận với IMF kéo dài hơn 9 tháng và dựa trên khoản vay trị giá 3 tỷ USD: 1 tỷ USD trả cho PDM, 1 tỷ USD cho chính phủ lâm thời và 1 tỷ USD cuối cùng cho chính phủ tương lai. Kết quả là, từ tháng 7 đến tháng 8 vừa qua, giá nhiên liệu tăng 8%, cà chua tăng 82% và nước tăng 11%.
An ninh cũng là thách thức lớn đối với chính quyền Islamabad. Trong nhiều năm, Pakistan đã yêu cầu chính phủ Kabul chiến đấu chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan chống Pakistan hiện diện trên đất Afghanistan. Ví dụ, Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), còn mang tên Taliban Pakistan, là nhóm vũ trang Hồi giáo bị cấm tại Pakistan, từng thực hiện hàng chục vụ tấn công đẫm máu khiến hàng trăm người chết ở nước này kể từ khi xuất hiện năm 2007. TTP là thực thể độc lập với nhóm Taliban ở Afghanistan, nhưng vẫn có chung hệ tư tưởng. “Việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan khiến rủi ro an ninh ngày càng gia tăng ở Pakistan”, Michael Kugelman, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Wilson ở Washington (Mỹ) nhận xét.
Quả thực, Pakistan đang hứng chịu gánh nặng từ các cuộc tấn công của TTP. Hàng rào do Islamabad dựng lên vào năm 2017 trên 2.670km biên giới với Afghanistan đã làm chậm các cuộc xâm nhập của khủng bố, nhưng không ngăn được các cuộc tấn công liều chết nhằm vào lực lượng an ninh Pakistan. Trong khi đó, do bị Mỹ cắt nguồn viện trợ quân sự nên quân đội Pakistan gặp khó khăn trong việc tiến hành các hoạt động quy mô lớn.
Đứng trước những khó khăn về an ninh, kinh tế và chính trị, Pakistan rất mong manh và đang đứng trước một tương lai bất định.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/pakistan-dung-truoc-tuong-lai-bat-dinh-745410
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()