Pa-na-ma - Ðiểm du lịch không thể bỏ qua
Khách du lịch thăm kênh Pa-na-ma. Kênh đào Pa-na-ma nổi tiếng thế giới, là tuyến đường hàng hải quốc tế huyết mạch quan trọng nhất, nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Đến Pa-na-ma, khách du lịch quốc tế không thể bỏ qua điểm du lịch này.Pa-na-ma nằm ở Trung Mỹ, có chung biên giới với Cô-xta Ri-ca, Cô-lôm-bi-a, biển Thái Bình Dương và Ca-ri-bê. Những năm gần đây, ngành công nghiệp không khói Pa-na-ma không ngừng phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Trong 10 năm qua, ngay cả khi du lịch thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), thì du lịch nước này vẫn liên tục phát triển. Theo báo cáo của Cơ quan Du lịch Pa-na-ma (ATP), số lượng du khách nước ngoài đến Pa-na-ma tăng từ 737.102 lượt người năm 2001, lên gần hai triệu lượt người năm 2011. Đóng góp của du lịch cho tổng thu nhập quốc dân (GDP) cũng tăng rõ rệt, từ 5,6% năm 2001 lên 9,5% trong năm 2011. Doanh thu du lịch tăng từ 662,7 triệu USD năm 2001, lên khoảng 2,6 tỷ USD...
Khách du lịch thăm kênh Pa-na-ma. |
Pa-na-ma nằm ở Trung Mỹ, có chung biên giới với Cô-xta Ri-ca, Cô-lôm-bi-a, biển Thái Bình Dương và Ca-ri-bê. Những năm gần đây, ngành công nghiệp không khói Pa-na-ma không ngừng phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Trong 10 năm qua, ngay cả khi du lịch thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), thì du lịch nước này vẫn liên tục phát triển. Theo báo cáo của Cơ quan Du lịch Pa-na-ma (ATP), số lượng du khách nước ngoài đến Pa-na-ma tăng từ 737.102 lượt người năm 2001, lên gần hai triệu lượt người năm 2011. Đóng góp của du lịch cho tổng thu nhập quốc dân (GDP) cũng tăng rõ rệt, từ 5,6% năm 2001 lên 9,5% trong năm 2011. Doanh thu du lịch tăng từ 662,7 triệu USD năm 2001, lên khoảng 2,6 tỷ USD năm 2010.
Chính phủ Pa-na-ma đã xác định du lịch cùng với hậu cần, nông nghiệp, dịch vụ tài chính là một trong bốn trụ cột tăng trưởng trong chiến lược phát triển kinh tế 5 năm của nước này giai đoạn 2010 – 2014. Mục tiêu phấn đấu của Pa-na-ma là phát triển ngành công nghiệp không khói năng động và bền vững, trong đó, đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch như: sinh thái, thám hiểm, tắm biển, tham quan kênh đào, các di sản văn hóa thế giới, làng thổ dân… Khách du lịch tới Pa-na-ma chủ yếu từ Mỹ, Ca-na-đa và châu Âu…
Kênh đào Pa-na-ma có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với vận tải biển mà còn thúc đẩy kinh tế, thương mại toàn cầu, một địa điểm du lịch nổi tiếng của nước này. Hiếm có du khách nào tới Pa-na-ma mà không đến thăm công trình đường thủy vĩ đại của nhân loại ở đầu thế kỷ 20 này. Ý tưởng khai phá và xây dựng tuyến đường thủy cắt ngang qua Pa-na-ma được hình thành khá sớm vào đầu thế kỷ 16, khi người Tây Ban Nha đến chinh phục vùng đất này. Nhưng mãi hơn ba thế kỷ sau, năm 1880, người Pháp mới bắt tay vào việc triển khai dự án trên theo một thỏa thuận ký với Cô-lôm-bi-a (Pa-na-ma khi đó vẫn là một phần lãnh thổ của Cô-lôm-bi-a). Gần 20 năm lao động khó khăn, công trình kênh đào bị bỏ dở năm 1899 do thiếu hụt tài chính, phương tiện kỹ thuật và dịch bệnh. Năm 1903, Pa-na-ma tách khỏi Cô-lôm-bi-a trở thành một quốc gia độc lập. Công trình đã được tái khởi động năm 1904 và hoàn thành ngày 15-8-1914 với tổng kinh phí gần 400 triệu USD. Suốt gần một thế kỷ dưới ách chiếm đóng của Mỹ, nhân dân Pa-na-ma không ngừng đấu tranh giành lại chủ quyền kênh đào Pa-na-ma. Làn sóng chống Mỹ dâng cao mạnh mẽ vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của người chiến sĩ yêu nước, tướng Ô-ma Tô-hi-ốt, dẫn tới việc ký Hiệp định Ca-tơ – Tô-hi-ốt năm 1977, quy định việc Mỹ trao trả vùng kênh này vào ngày 31-12-1999. Sau khi tiếp nhận chủ quyền kênh đào từ Mỹ, Chính phủ Pa-na-ma quan tâm nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý và hiện đại hóa tuyến đường hàng hải đặc biệt này nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2006, người dân Pa-na-ma ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch mở rộng kênh đào với kinh phí gần 5,25 tỷ USD nhằm tăng gấp đôi khả năng lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các tàu qua dòng kênh dài 80 km này.
Một trong số điểm du lịch lớn tại khu kênh đào là khu thắng cảnh A-ma-dô, có diện tích 165 ha, gồm bốn hòn đảo thơ mộng bên bờ Thái Bình Dương. Tại khu du lịch này, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố và cảnh tàu, thuyền qua lại trên kênh đào nối giữa hai bờ đại dương. Pa-na-ma còn có nhiều khu nghỉ mát, là những địa điểm lý tưởng cho du khách nước ngoài.
Theo Nhandan
Ý kiến ()