Pa-le-xtin quyết tâm xin gia nhập LHQ
Bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phía Mỹ và I-xra-en, sự ngăn cản của một số nước phương Tây, Chính quyền Pa-le-xtin (PA) vừa khẳng định lại quyết tâm sẽ đệ đơn xin gia nhập LHQ tại khóa họp thường niên lần thứ 66 của Đại hội đồng LHQ. Hiện đã có khoảng 140 nước thành viên LHQ bày tỏ ủng hộ kế hoạch này của PA.Tổng thống Pa-le-xtin M. Áp-bát quyết định sẽ đệ trình văn bản xin gia nhập LHQ lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) ngay sau khi ông phát biểu ý kiến tại phiên họp chung của Đại hội đồng LHQ ngày 23-9. Vòng đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin bị đổ vỡ hồi tháng 10 năm ngoái, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông kéo dài gần hai thập kỷ qua lâm vào bế tắc. Điều đó càng thúc đẩy Tổng thống M.Áp-bát và lãnh đạo Pa-le-xtin xúc tiến việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập trên cơ sở đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Ban lãnh đạo PA quyết định sẽ xin gia nhập LHQ với tư cách thành viên đầy đủ. Pa-le-xtin...
Tổng thống Pa-le-xtin M. Áp-bát quyết định sẽ đệ trình văn bản xin gia nhập LHQ lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) ngay sau khi ông phát biểu ý kiến tại phiên họp chung của Đại hội đồng LHQ ngày 23-9. Vòng đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin bị đổ vỡ hồi tháng 10 năm ngoái, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông kéo dài gần hai thập kỷ qua lâm vào bế tắc. Điều đó càng thúc đẩy Tổng thống M.Áp-bát và lãnh đạo Pa-le-xtin xúc tiến việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập trên cơ sở đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Ban lãnh đạo PA quyết định sẽ xin gia nhập LHQ với tư cách thành viên đầy đủ. Pa-le-xtin cho rằng, mục tiêu này sẽ tạo thuận lợi cho việc khôi phục tiến trình hòa bình một cách nghiêm túc và các cuộc đàm phán mới với mục tiêu rõ ràng cho giải pháp hai nhà nước. Để nỗ lực này thành công, một chiến dịch mang tên “Chiến dịch quốc gia vì Pa-le-xtin, Nhà nước thứ 194” của LHQ đã được tiến hành tại TP Ra-ma-la ở khu Bờ Tây. Chính quyền Pa-le-xtin xúc tiến các cuộc thương thảo, hòa giải giữa các phe phái và thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc; huy động một lực lượng lớn những người đang sống tại Pa-le-xtin, các trại tị nạn ở khu vực các nước A-rập và trên thế giới ủng hộ.
Nỗ lực xin gia nhập LHQ của chính quyền Pa-le-xtin vấp phải sự phản đối quyết liệt của I-xra-en và sự ngăn cản của Mỹ và EU. Mỹ lo ngại việc này có thể làm phức tạp thêm việc nối lại các cuộc hòa đàm ở Trung Đông. Oa-sinh-tơn khẳng định dứt khoát sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ để ngăn cản nỗ lực của Pa-le-xtin. Mỹ đe dọa cắt viện trợ, thậm chí còn nói rằng Tổng thống Pa-le-xtin Áp-bát “nên tiếp tục làm việc tích cực với Mỹ” để tránh một “kịch bản xấu” tại kỳ họp của Đại hội đồng LHQ tại Niu Oóc. Đặc phái viên Mỹ về hòa bình Trung Đông Đ. Hên và Cố vấn về các vấn đề Trung Đông Đ.Rốt đã lên đường trở lại Trung Đông để gặp Thủ tướng I-xra-en B. Nê-ta-ni-a-hu và Tổng thống Pa-le-xtin Áp-bát nhằm thuyết phục Pa-le-xtin từ bỏ nỗ lực muốn LHQ công nhận, đồng thời kêu gọi I-xra-en và Pa-le-xtin nối lại đàm phán trực tiếp. Trong khi đó, các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chia rẽ về vấn đề này. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU C. A-stơn đã đi thăm Trung Đông nhằm thuyết phục ông Áp-bát từ bỏ kế hoạch trên và nối lại đàm phán với I-xra-en.
Nỗ lực trở thành thành viên chính thức thứ 194 của LHQ là nguyện vọng chính đáng của nhân dân Pa-le-xtin, được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều nước trên thế giới. Đến nay, có khoảng 140 quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên đoàn A-rập (AL), các nước thành viên Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA) và nhiều nước khác trên thế giới, bày tỏ sự ủng hộ Nhà nước Pa-le-xtin độc lập và làm nước thành viên LHQ. Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Ca-ta An Tha-ni cho rằng, người dân Pa-le-xtin có quyền xây dựng nhà nước của riêng mình. Các nhà lãnh đạo AL đã thảo luận cách thức và các bước đi chính để Pa-le-xtin đệ trình yêu cầu của mình trong các cuộc họp của Đại hội đồng LHQ sắp tới. Nga tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ nỗ lực của Pa-le-xtin tại LHQ. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun khẳng định ủng hộ một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc trở thành thành viên LHQ của Pa-le-xtin phải do các quốc gia thành viên LHQ quyết định.
Hiện chính quyền Pa-le-xtin là quan sát viên LHQ. Để trở thành thành viên đầy đủ của LHQ đòi hỏi sự phê chuẩn của cả HĐBA và Đại hội đồng LHQ. Trong bối cảnh trên, nhiều nhà ngoại giao cho rằng, người Pa-le-xtin có thể nâng vị thế của họ lên thành “nhà nước không thành viên”, giống quy chế hiện nay của Va-ti-căng. Lựa chọn này chỉ đòi hỏi sự ủng hộ của đa số trong tổng số 193 nước thành viên LHQ, chứ không phải hai phần ba như trong trường hợp trở thành thành viên đầy đủ. Với tư cách này, Pa-le-xtin có thể gia nhập Tòa án hình sự quốc tế (ICC), điều làm Mỹ và I-xra-en vô cùng lo ngại, bởi Pa-le-xtin có thể kiện I-xra-en phong tỏa dải Ga-da và xây dựng các khu định cư trái phép trên các vùng đất chiếm đóng. Theo các nhà phân tích, vị thế một “nhà nước không thành viên” cũng có thể coi là sự thừa nhận ngầm của LHQ về một Nhà nước Pa-le-xtin.
Trong khi sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của nhiều nước đối với nguyện vọng chính đáng của người Pa-le-xtin, những động thái gây cản trở của Mỹ, I-xra-en và một số nước EU không thể ngăn cản nỗ lực gia nhập LHQ của Pa-le-xtin với tư cách là một thành viên đầy đủ hoặc một sự thừa nhận “nhà nước không thành viên”. Đại sứ Nga tại LHQ V.Tru-rơ-kin hy vọng Pa-le-xtin sẽ chọn một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ. Ông cho biết, quy chế nhà nước nhưng chưa phải thành viên LHQ sẽ cho phép Pa-le-xtin trực tiếp tham gia các tổ chức hỗ trợ kinh tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhiều chính khách quốc tế cũng khẳng định Mỹ và I-xra-en không thể cản trở nguyện vọng chính đáng của người Pa-le-xtin trong việc tìm kiếm sự thừa nhận cao hơn tại LHQ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()