LSO-Đặc sản măng ớt Chi Lăng thì đã nổi tiếng từ lâu, thế nhưng hiệu quả kinh tế nó mang lại cho người dân lại chẳng đáng là bao. Ven quốc lộ 1A giờ đây chỉ còn dăm nhà giữ lại cái giá gỗ cũ kỹ để bày bán măng ớt, ngày may ra bán lẻ được dăm lọ. Từ vườn ươm giống tại Bắc Thủy, vụ ớt xuất khẩu đầu tiên ở Chi Lăng đã bắt đầuCây ớt hợp đất Chi Lăng đến lạ lùng. Trồng ruộng cũng tốt mà trồng đồi cũng lên. Chẳng thế mà cách đây vài năm, một số doanh nghiệp nhỏ làm ớt xuất khẩu thì cứ tìm tới đất này. Thế nhưng chỉ là xuất khẩu thời vụ, hợp đồng với dân trồng lẻ tẻ vài vụ rồi thôi. Hiệu quả kinh tế cũng chẳng rõ ràng. Có doanh nghiệp đưa ớt Chi Lăng gửi đi phân tích hẳn hoi, kết quả là độ đỏ cờ, độ cay… đều ở mức tuyệt hảo. So sánh ở trong nước, nhiều nhận định rằng đất Chi Lăng là một trong những vùng trồng ớt tốt nhất. Ấy thế nhưng từ trước tới nay ớt...
LSO-Đặc sản măng ớt Chi Lăng thì đã nổi tiếng từ lâu, thế nhưng hiệu quả kinh tế nó mang lại cho người dân lại chẳng đáng là bao. Ven quốc lộ 1A giờ đây chỉ còn dăm nhà giữ lại cái giá gỗ cũ kỹ để bày bán măng ớt, ngày may ra bán lẻ được dăm lọ.
Từ vườn ươm giống tại Bắc Thủy, vụ ớt xuất khẩu đầu tiên ở Chi Lăng đã bắt đầu
Cây ớt hợp đất Chi Lăng đến lạ lùng. Trồng ruộng cũng tốt mà trồng đồi cũng lên. Chẳng thế mà cách đây vài năm, một số doanh nghiệp nhỏ làm ớt xuất khẩu thì cứ tìm tới đất này. Thế nhưng chỉ là xuất khẩu thời vụ, hợp đồng với dân trồng lẻ tẻ vài vụ rồi thôi. Hiệu quả kinh tế cũng chẳng rõ ràng. Có doanh nghiệp đưa ớt Chi Lăng gửi đi phân tích hẳn hoi, kết quả là độ đỏ cờ, độ cay… đều ở mức tuyệt hảo. So sánh ở trong nước, nhiều nhận định rằng đất Chi Lăng là một trong những vùng trồng ớt tốt nhất. Ấy thế nhưng từ trước tới nay ớt Chi Lăng vẫn chưa thể thành vùng sản xuất tập trung, vẫn chủ yếu mỗi nhà trồng dăm khóm để ngâm măng.
Chẳng biết do thiếu nguyên liệu hay thế nào mà đầu năm 2011 vừa rồi, có doanh nghiệp ở tận Hải Phòng đến Chi Lăng để thu mua đủ một xe công ten nơ ớt. Cũng từ sự tình cờ ấy, người ta nhận ra nét đặc biệt của ớt Chi Lăng. Ông Lương Thành Chung, Phó Phòng NN&PTNT huyện bảo: họ gửi mẫu ớt ra nước ngoài phân tích hẳn hoi, điều bất ngờ là cả về mẫu mã lẫn chất lượng đều được đánh giá rất cao. Nắm bắt tiềm năng về một vùng nguyên liệu, Trung tâm giống phát triển nông lâm Hải Phòng quyết định khảo sát tổng thể về điều kiện đất đai, khí hậu và đặt vấn đề với chính quyền địa phương về một dự án đầu tư cỡ lớn, đưa Chi Lăng trở thành một vùng sản xuất nguyên liệu ớt tập trung và sản phẩm được doanh nghiệp thu mua toàn bộ để xuất khẩu sang đất Hàn Quốc. Ông Vi Nông Trường, Trưởng phòng NN&PTNT Chi Lăng cho biết: vấn đề đưa ra đúng vào khi Chi Lăng đang đi tìm những mô hình sản xuất, nhân rộng thành vùng chuyên canh tập trung để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Khi doanh nghiệp đặt vấn đề, Phòng đã nghiên cứu rất kỹ và tham mưu đầy đủ cho UBND huyện và được lãnh đạo huyện ủng hộ. Ngay lập tức công tác tuyên truyền được triển khai tới những xã có điều kiện để phát triển điểm như Quang Lang, Mai Sao, Nhân Lý và Bắc Thủy. Công tác chuẩn bị được tiến hành nhanh chóng, địa phương ngay lập tức đã sẵn sàng trải thảm cho nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bởi thế nên chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, UBND huyện và doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về sản xuất và tiêu thụ ớt với tên gọi đầy đủ là ớt Hiểm lai F1 207 trên đồng đất Chi Lăng giai đoạn I từ năm 2012 đến năm 2018 với quy mô 100ha trên địa bàn 4 xã.Một mặt ký kết hợp đồng, mặt khác, doanh nghiệp nhanh chóng tổ chức các cuộc tập huấn từ cấp xã tới cấp thôn. Chính quyền 4 xã được chọn triển khai vùng nguyên liệu cũng tổ chức họp nghiên cứu, lấy ý kiến nhân dân và tuyên truyền tới từng hộ gia đình. Dự án được triển khai theo nguyên tắc, dân “nắm đằng chuôi”. Bởi người dân không cần phải huy động vốn đầu tư mà chỉ cần dụng công sức trên đồng đất của mình, mọi thứ từ giống, vốn, khoa học kỹ thuật đã được doanh nghiệp ứng trước. Vùng nguyên liệu cũng không ảnh hưởng tới quy hoạch vùng sản xuất lương thực bởi áp dụng hình thức xen canh 1 vụ ớt và 1 vụ lúa.
Hợp đồng năm 2012 đã được ấn định, Chi Lăng sẽ triển khai bước đầu tiên ở giai đoạn I với quy mô 30ha, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 9.000 đồng/kg, những năm tiếp theo giá cả có sự điều chỉnh sát với giá thị trường. Theo hạch toán cụ thể mỗi sào ớt đầu tư khoảng 1,4 triệu đồng; năng suất trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, tính ở cận thấp nhất là trên 1 tấn/sào. Như vậy mỗi sào, nhà nông lãi ròng gần 8 triệu đồng/vụ. Đứng giữa vườn ươm giống của vụ ớt đầu tiên, ông Trần Lày, Chủ tịch UBND xã Bắc Thủy đầy hy vọng và tin tưởng: hơn 200 hộ gia đình, chiếm 2/3 xã đã đăng ký tham gia với diện tích ước chừng 10ha, doanh nghiệp đã trang bị đủ cho người dân, từ giống, vốn, đến kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc, chỉ vài tháng nữa thôi, nơi đây ớt sẽ đỏ rực một màu. Trong thời điểm hiện nay, việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất ít, vùng nguyên liệu ớt ở Chi Lăng với sự liên kết bền chặt giữa 4 nhà đã mở ra cho địa phương một hướng đi rất mới và cũng cho thấy tinh thần mời gọi đầu tư của Chi Lăng vào lĩnh vực này. Chỉ vài tháng nữa thôi, ớt Chi Lăng sẽ bay sang Xứ Kim chi xa xôi và mang về cho nhà nông những nguồn lực mới để kiến thiết nông thôn.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()