OPEC: Một thỏa thuận lịch sử
Ngày 28/9, cuộc họp bất thường của OPEC tại Algiers đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 750.000 thùng/ngày, từ mức 33,24 triệu thùng/ngày hiện nay xuống còn khoảng 32,5-33 triệu thùng/ngày, quyết định này có thể giúp tạo “mức sàn” cho giá dầu trong thời gian tới vào khoảng 60 USD/thùng. Để giám sát việc thi hành, OPEC còn thành lập thêm một ủy ban kỹ thuật cấp cao, cơ quan này sẽ xác định cơ chế giảm sản lượng cho mỗi nước cụ thể. Thỏa thuận lịch sử này được sự hoan nghênh của nhiều quốc gia thành viên. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn còn có những ý kiến khác nhau.
Từ thỏa thuận lịch sử…
Theo giới quan sát, đây là lần giảm sản lượng lớn nhất kể từ sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch OPEC ông Mohamed Salah Assada tuyên bố, đây là cuộc họp dài nhưng mang tính lịch sử, đồng thời nhấn mạnh dù thị trường chỉ ra những dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn cần phải thúc đẩy tái cân bằng thị trường.
Bộ trưởng Năng lượng Algeria Noureddine Boutarfa đã bày tỏ sự vui mừng khi OPEC đưa ra được quyết định lịch sử này. Quyết định này là một sự đồng thuận của tất cả các thành viên OPEC. Ông Boutarfa cũng nhấn mạnh OPEC đã lấy lại được chức năng giám sát thị trường mà tổ chức này đã đánh mất từ nhiều năm qua.
Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp không chính thức của OPEC tại Algiers, Chủ tịch OPEC Mohamed Salah Assada nhấn mạnh tổ chức này quyết tâm để cuộc họp này sẽ được kết thúc bằng một thông điệp tích cực và thuyết phục.
Tuy nhiên, khi bế mạc hội nghị, cùng với việc hoan nghênh những nỗ lực của các nước thành viên, OPEC đồng thời cũng đề cập tới những thách thức mới mà tổ chức này sẽ phải đối mặt như hoạt động đầu cơ, hoặc những vi phạm thỏa thuận có thể xẩy ra.
Được biết, trước thềm Diễn đàn Năng lượng Quốc tế lần thứ 15 tại Algiers (26-28/9), Bộ trưởng Năng lượng Algeria Noureddine Boutarfa đã cảnh báo rằng, nếu cuộc họp của OPEC thất bại, giá dầu có thể sẽ giảm sâu từ 45 USD/thùng hiện nay, xuống còn 30 USD/thùng.
Chuyên gia Abhishek Deshpande, trưởng bộ phận phân tích thị trường dầu mỏ thuộc ngân hàng Natixis (Pháp), cũng nhận định: “hiện trên thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang tràn ngập nguồn cung. Nếu OPEC không hành động, giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực đi xuống”.
OPEC, hiện chiếm hơn 30% tổng sản lượng dầu mỏ thế giới, các nhà sản xuất khổng lồ khác đã và đang chật vật trong việc ứng phó với tình trạng lao dốc của giá dầu. Sự bùng nổ của dầu đá phiến ở Mỹ được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu giảm mạnh từ mức 115 USD/thùng hồi tháng 6/2015 và có lúc xuống dưới 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016.
Đến phản ứng của thị trường…
Ngay sau quyết định của OPEC, giá dầu mỏ thế giới ngày 28/9 đã tăng mạnh (gần 6%). Chốt phiên trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,72 USD (5,9%) lên 48,69 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn hai tuần vừa qua.
Trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 2,38 USD (5,3%) lên 47,05 USD/thùng. Trong phiên này, đã có lúc giá dầu WTI vọt lên 47,45 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 9 vừa qua.
Tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh và chỉ số EURO STOXX 50 đều tăng 0,6% lên mức 6.849,38 điểm và 2.988,88 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp và chỉ số DAX 30 của Đức tăng lần lượt 0,8% và 0,7% lên mức 4.432,45 điểm và 10.438,34 điểm.
Trên sàn chứng khoán phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng lần lượt là 0,6%, 0,5% và 0,2% lên mức tương ứng 18.339,240 điểm, 2.171,37 điểm và 5.318,55 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng điểm. Theo đó, mức tăng mạnh nhất là chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản với 1,4%. Trong khi đó tại Trung Quốc, chỉ số CSI 300, tính theo giá trị vốn hóa 300 công ty quy mô lớn nhất niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến cũng tăng hơn 0,6%.
Trái với diễn biến tích cực trên thị trường dầu mỏ và chứng khoán, thị trường vàng thế giới cùng ngày lại chứng kiến giá giảm phiên thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần qua trong bối cảnh đồng USD mạnh song hành với giá dầu mỏ.
Tại Mỹ, chốt phiên trên sàn giao dịch COMEX, giá vàng giao tháng 12 giảm 6,7 USD (0,5%) xuống còn 1.323,70 USD/ounce. Trước đó, ngày 27/9, giá kim loại quý này thậm chí còn giảm gần 1%, đánh dấu mức giảm theo ngày lớn nhất trong một tháng trở lại đây.
Và nhận định của giới chuyên gia
Đánh giá về động thái của OPEC, chuyên gia phân tích Phil Flynn thuộc Tập đoàn tư vấn tài chính Price Futures Group cho rằng, đây là một thỏa thuận lịch sử khi mà lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, các nước trong và ngoài OPEC đã tìm được tiếng nói chung.
Ông Assada Chủ tịch OPEC cho biết, một ủy ban kỹ thuật cấp cao sẽ được thành lập nhằm xác định cơ chế giảm sản lượng cho mỗi nước. Chi tiết của cơ chế giám sát này sẽ được bàn thảo tại cuộc họp chính thức của OPEC vào tháng 11 ở Vienna (Áo).
Mặt khác, OPEC cũng sẽ tiến hành đối thoại với các nước ngoài OPEC, nhất là Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, để tham gia vào những nỗ lực tái cân bằng thị trường. Trước đó, Nga cũng đã bày tỏ ủng hộ giải pháp “đóng băng” sản lượng dầu. Ngoài ra, các thành viên OPEC còn đạt được thỏa thuận về cách thức xử lý đặc biệt với trường hợp của Iran, Nigeria và Libya.
Tuy nhiên, Hãng nghiên cứu Capital Economics cho rằng, thỏa thuận này vẫn chưa đủ để hỗ trợ giá dầu. Còn các nhà phân tích thuộc BMO Capital Markets lại quan ngại hạn ngạch sản lượng mà OPEC đưa ra rất có thể bị các nước thành viên không tôn trọng.
Khi kết thúc hội nghị, OPEC đã ra tuyên bố hoan nghênh những nỗ lực của Algeria để có thể tổ chức thành công cuộc họp này. Tuy nhiên, tuyên bố cũng nhấn mạnh những thách thức mà thị trường dầu mỏ thế giới phải đối mặt từ hai năm qua cả về vấn đề nguồn cung và giá cả.
Như vậy, với thỏa thuận lịch sử, OPEC đã tính đến sự tác động của việc giảm mạnh thu nhập ở các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng gây ra nguy hiểm cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vì thế, các nước thành viên OPEC đã có quyết định để tránh những kết quả tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn cho nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của OPEC đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đang ở phía trước./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()