OPEC+ khởi động các cuộc thảo luận về cắt giảm sản lượng
Phương Tây muốn Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng khai thác dầu để họ giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, nhưng OPEC lại quyết định trái ngược với mong muốn của các quốc gia này.
Ngày 29-9, Reuters đưa tin, các nước thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC ) đã bắt đầu thảo luận về vấn đề cắt giảm sản lượng dự kiến được đưa ra đàm phán tại hội nghị sắp tới của nhóm này vào ngày 5-10 tới. Trước đó, một số báo chí phương Tây cũng đồng loạt đưa tin cho biết, Nga có khả năng đề xuất với OPEC về việc cắt giảm sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp sắp tới.
OPEC gồm 13 thành viên OPEC do Saudi Arabia đứng đầu và 10 quốc gia sản xuất dầu liên minh, trong đó có Nga. Nhóm này chiếm tới hơn 40% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Theo kế hoạch, hội nghị OPEC sẽ diễn ra vào tuần tới tại Vienna (Áo) trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới đang giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua và thị trường biến động nghiêm trọng.
Hội nghị OPEC dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới tại Vienna, Áo. Ảnh: Reuters |
Trước đó, tại cuộc họp vào đầu tháng 9 này, OPEC đã quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô ở mức 100.000 thùng/ngày (tương đương 0,1% nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới) trong tháng 10. Theo lý giải của OPEC , quyết định này được đưa ra nhằm hỗ trợ giá dầu đang dần tuột dốc trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đều bày tỏ mong muốn Saudi Arabia và các đối tác OPEC bơm thêm dầu để giúp hạ nhiệt chi phí xăng, dầu và giảm tỷ lệ lạm phát của các quốc gia này. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá tất cả loại năng lượng leo thang, kéo theo lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất. Mỹ đã gây áp lực đối với hai nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tăng sản lượng để giúp kìm hãm đà tăng của giá dầu. Song, với quyết định cắt giảm sản lượng trên, có thể thấy OPEC đã quyết định phớt lờ sức ép và những lời kêu gọi của các nước phương Tây, để tiếp tục hướng tới giữ giá dầu ở mức cao.
Đáng chú ý, bước đi cắt giảm dầu của OPEC trùng đúng vào thời điểm Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) quyết định áp mức trần đối với giá dầu nhập khẩu của Nga. Không ít người vì thế cho rằng OPEC cắt giảm sản lượng có thể một phần đến từ sức ép của Nga muốn đáp trả G7.
Nhưng thực tế, theo tiết lộ của trang báo Egypt Oil and Gas (Ai Cập), Nga lại là quốc gia phản đối việc OPEC cắt giảm trở lại sản lượng. Nguyên nhân là Nga đang bán dầu ổn định cho các khách hàng châu Á, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Moscow không thấy có lý do để phải cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, những bước đi gia tăng sản lượng hay cắt giảm sản lượng không đáng kể thời gian gần đây của OPEC đều ẩn chứa thông điệp, chứ không hoàn toàn vì mục đích gây ảnh hưởng lớn đối với thị trường dầu mỏ. Andy Lipow, Chủ tịch của công ty tư vấn dầu mỏ Lipow Oil Associates (Mỹ) nhận định, đây là lời nhắn nhủ rằng OPEC sẽ đi theo con đường riêng và họ sẵn sàng có các động thái giữ giá dầu ở mức cao.
Cách đây không lâu, Nga tuyên bố sẽ không tiếp tục bán dầu cho những quốc gia ủng hộ kế hoạch của nhóm G7 về áp trần giá lên dầu Nga. Moscow cũng đã cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu và khu vực này đang đối mặt với nguy cơ xảy ra một đợt tăng giá khí đốt “kinh hoàng” nữa vào thời điểm mùa đông đang đến gần. Lời đáp từ phía OPEC có thể sẽ là một “gáo nước lạnh” đối với các quốc gia châu Âu vẫn đang loay hoay thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Ý kiến ()