Ông Tình năng động phát triển kinh tế
LSO-Từ hai bàn tay trắng, chỉ quanh năm với mấy sào ruộng, mà giờ đây, gia đình ông đã có một cơ ngơi kinh tế vững vàng từ xưởng xẻ gỗ và sản xuất gạch bê tông, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 14 lao động nông thôn. Đó là mô hình kinh tế của ông Đinh Văn Tình, ở thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc.
Mô hình sản xuất gạch ba banh của gia đình ông Đinh Văn Tình tạo việc làm cho 3 lao động địa phương |
Nhận thấy địa phương đang phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, có nguồn gỗ xẻ dồi dào, nhất là sẽ giúp đầu ra cho bà con trồng rừng nên bắt đầu từ cuối năm 2009, gia đình ông mở xưởng xẻ gỗ. Xưởng có diện tích khoảng 400m2, chuyên thu mua gỗ tròn của người dân trong xã về chế biến gỗ thành phẩm bán. Tính từ năm 2009 đến nay, xưởng xẻ gỗ đã sản xuất được 2.700 khối ván cốt pha bán ra thị trường. Nguồn thu nhập hàng năm sau khi trừ các chi phí còn được trên dưới 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, xưởng sản xuất gạch bê tông với công suất 7 vạn viên gạch/năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình còn đầu tư 2 xe ô tô để chuyên chở nguyên vật liệu và sản phẩm đến tận nơi cho khách hàng… Ông Tình chia sẻ: “do ảnh hưởng của thị trường, trong 2 năm trở lại đây, sản xuất chế biến gỗ gặp nhiều khó khăn, sản phẩm giảm từ 1 nghìn khối gỗ năm 2010 xuống 500 khối năm 2012. Sản xuất cầm chừng, thu nhập giảm, mà quan trọng là không có việc làm thì ảnh hưởng đến đời sống của 11 lao động đã theo mình nhiều năm. Vì vậy, để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất gỗ, gia đình đã huy động các nguồn vốn để thu mua rừng trồng của bà con và giao cho lao động của xưởng tự khai thác. Thông qua các việc đốn cây, lấy nhựa thông, chế biến gỗ… đã tiếp tục đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động từ 3-4 triệu đồng/tháng. Trong lúc khó khăn về sản xuất gỗ, tôi đầu tư xưởng gạch ba banh để tận dụng mặt bằng diện tích và xe chở vật liệu sẵn có. Từ năm 2012, mô hình sản xuất gạch đã tạo việc làm cho thêm 3 lao động nông thôn. Mặt khác để kinh doanh hiệu quả, trước hết tôi luôn giữ chữ tín với khách hàng và tạo điều kiện cho khách hàng trả chậm, trả góp khi họ còn khó khăn. Trong 3 năm qua, gia đình đã tạo điều kiện cho hàng chục khách hàng nợ từ 10- 40 triệu đồng mua gạch, nhiều người nợ đến 5-6 tháng…” Với sự năng động, nhạy bén, có tâm với nghề, với người, mô hình kinh tế của gia đình ông đã vượt qua những ngày khó khăn, giữ vững kinh doanh trong thời điểm giá cả, thị trường có nhiều biến động, bấp bênh. Nhìn quy mô làm ăn của gia đình, ít ai nghĩ cách đây hơn chục năm, gia đình ông chỉ vẻn vẹn mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, đời sống chật vật, ăn bữa nay đã phải lo bữa mai. Sự thay đổi lớn bắt đầu từ việc mở cửa hàng bán tạp hóa, phân bón… Dần dần mở rộng quy mô buôn bán, tích lũy vốn và đến năm 2009, ông chính thức xây dựng được mô hình kinh tế, thực hiện ước mơ làm giàu nung nấu bấy lâu. Trong hành trình gây dựng kinh tế, ngoài vốn tích lũy, gia đình phải vay vốn ngân hàng đến 4 lần mới có được thành công như ngày hôm nay.
Ông Lộc Văn Trọng, Trưởng thôn Hợp Tân cho biết: mô hình kinh tế của ông Tình đã tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương, góp phần làm giàu cho thôn quê. Ngoài ra, gia đình ông luôn chấp hành đầy đủ các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhiệt tình giúp đỡ anh em, hàng xóm trong lúc khó khăn. Gia đình ông là một tấm gương năng động trong phát triển kinh tế và xứng đáng với danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm liền.
Ý kiến ()