Ông Thảnh làm giàu từ những viên gạch
– Nhắc đến ông Nguyễn Văn Thảnh, ở tổ 2, khối 8, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc là nhiều người nhớ ngay đến ông chủ xưởng sản xuất gạch không nung. Không chỉ làm giàu cho gia đình mà ông còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Qua lời kể của ông Thảnh, chúng tôi được biết: ông sinh năm 1969 trong một gia đình làm nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nên sau khi tốt nghiệp THPT, ông quyết định chọn con đường lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Khi mới bắt đầu lập nghiệp, ông cũng xoay xở đủ nghề, từ làm nông, chăn nuôi đến chở vật liệu xây dựng, nhưng từ sau khi Nhà nước có lệnh cấm không cho xe công nông lưu thông ông đã trăn trở, tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Đến năm 2005, thấy nhiều nhà máy gạch ở địa phương bỏ đi chất thải rắn trong xây dựng, làm ảnh hưởng đến môi trường, trong khi đó, cơ sở sản xuất gạch không nung không gây ô nhiễm môi trường chưa có nhiều, ông nảy ra ý định tìm tòi, học hỏi cách sản xuất gạch không nung qua sách, báo, đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi và bắt tay vào làm.
Ông Nguyễn Văn Thảnh kiểm tra chất lượng sản phẩm
Chia sẻ với chúng tôi những nỗ lực, quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế của gia đình mình, ông cho biết: Giai đoạn mới bắt tay vào sản xuất gạch tôi đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả. Ngày trước làm gì có nhiều máy móc hiện đại như bây giờ, lại thiếu vốn. Khi ấy, lấy nguyên vật liệu về tôi phải giã, trộn, đóng gạch tất cả đều bằng tay hết. Thấy vất vả quá, nguyên liệu khi trộn ra lại không đều tôi đã tự “chế” chiếc máy cày thành máy trộn và nhiều cách làm khác để cải tiến các khâu trong quy trình sản xuất gạch. Lúc ấy, xưởng của tôi một ngày chỉ sản xuất được khoảng 500 – 1.000 viên gạch và bán chủ yếu cho người dân xung quanh.
Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ ông bỏ cuộc, ông vừa làm, vừa học, vừa cải tiến các trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, đi từng nơi chào mời sản phẩm. Đến năm 2008, khi đã xây dựng được uy tín với khách hàng, đơn đặt hàng ngày một tăng, “cung không đủ cầu”, ông Thảnh đã bỏ hết vốn liếng của mình, vay ngân hàng đầu tư thêm máy móc và mở rộng diện tích xưởng từng chút một. Đến nay, quy mô xưởng sản xuất của ông có diện tích hơn 7.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, xưởng có 2 máy xúc lật, 3 máy nghiền, 6 máy ép thủy lực… Trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất được hơn 100.000 viên gạch, mẫu mã đẹp, chắc chắn, với giá bán 2.100 đồng/viên; vận chuyển hàng tận nơi; phục vụ nhanh chóng, nhiệt tình. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng. Với mức thu nhập trên, xưởng sản xuất gạch của ông Thảnh không chỉ đảm bảo cuộc sống gia đình mà còn giải quyết việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Ông Thảnh tham gia Hội Nông dân từ năm 2015. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thảnh luôn nhiệt tình, tích cực tham gia, đóng góp vào các phong trào hội và địa phương. Mô hình kinh doanh của ông được đánh giá rất cao vì giúp cho nhiều người dân có công việc ổn định, ông cũng rất nhiệt tình chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về làm gạch không nung cho hội viên, người dân có nhu cầu học hỏi.
TIỂU YẾN
Ý kiến ()