Ông Tăng Phúc - người có uy tín trong cộng đồng dân cư
Trong 10 năm sinh sống và kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ tại khu du lịch, ông Phúc đã phát huy tốt vai trò của một đảng viên lâu năm, một người cao tuổi có uy tín đối với dân tộc ít người đang sinh sống trên dãy núi Mẫu Sơn.
Ông Phúc sinh năm 1942, dân tộc Dao tại thôn Nà Mìu, xã Mẫu Sơn, Lộc Bình. Lớn lên, ông được địa phương cử đi học nghiệp vụ sư phạm và là “hạt giống đỏ” để quay lại bản người Dao xã Mẫu Sơn, để dạy học, kiêm Hiệu trưởng trường làng. Năm 1965, Đặng Tăng Phúc vừa làm Hiệu trưởng, vừa dạy học và kiêm cả Chủ tịch UBND xã … Năm 1984 ông được tổ chức đề bạt Phó Giám đốc sở Lâm nghiệp, kiêm Trưởng Ban Định canh- Định cư tỉnh cho đến tháng 1/2003 thì được nghỉ chế độ hưu trí…
Nghỉ hưu, ông quay lại Khu du lịch Mẫu Sơn để kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng. Tại đây, ông đã thuê đất với Nhà nước gần 600 m2, đầu tư trên 3,7 tỷ đồng xây dựng nhà nghỉ với quy mô 12 phòng nghỉ, tương đương 24 giường… Hiện nay, ông là đảng viên cao tuổi nhất, với 45 năm tuổi Đảng, sinh hoạt tại Chi bộ ghép thôn (Khuổi Tẳng-Khuổi Cấp). Với kinh nghiệm đúc rút trong quá trình công tác, ông Phúc đã thể hiện trách nhiệm của một người đảng viên lâu năm, một người cao tuổi có uy tín, có tiếng nói ảnh hưởng đối với cộng đồng người Dao (một dân tộc ít người) đang sinh sống trên dãy núi Mẫu Sơn, trong nhiều năm qua, ông đã tiếp nhận các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền đến mọi người dân; vận động đồng bào nhân dân thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khi hỏi về phương pháp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Dao, ông Phúc cho biết: đồng bào dân tộc Dao sinh sống quanh Khu du lịch Mẫu Sơn có 6 thôn, khoảng 100 hộ, với 500 nhân khẩu.
Cách đây 5 năm về trước, các hộ gia đình ở đây thuộc diện đói chiếm trên 95%, hàng năm Nhà nước phải cứu trợ lương thực. Khi quay lại sống cùng đồng bào tại Khu du lịch, tôi luôn trăn trở làm sao đồng bào phải thoát được cái đói, giàm được cái nghèo. Từ suy nghĩ đó, tôi đã tiếp cận với các thôn, vận động đồng bào tiếp nhận đời sống văn hoá tiên tiến, khai thác thế mạnh của vùng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Mỗi lần xuống thôn, tôi luôn chanh thủ đặt vấn đề bàn với các hộ gia đình nên giảm bớt các hủ tục lạc hậu và được đồng bào đồng tình đón nhận. Trước đây lễ cấp sắc tổ chức trong 3 ngày 3 đêm, khách không mời biết tin cũng đến, dẫn đến chi phí tốn kém. Nay nghi lễ này đã giảm xuống 1 ngày 1 đêm và khách nào được mời mới đến. Một số nghi lễ, tục lệ không phù hợp được huỷ bỏ. Về phát triển kinh tế, tôi vận động nhân dân không chặt phá rừng bừa bãi, mà thay vào đó là tích cực trồng cây ăn quả, trồng rừng, phủ xanh đất trống. Trong canh tác nông nghiệp, ứng dụng giống lúa lai, ngô lai, sử dụng phân bón vào gieo trồng chăm bón, đạt năng suất cao. Những hộ gia đình có điều kiện đã khai thác thế mạnh tham gia chế biến rượu Mẫu Sơn cung cấp cho thị trường kết hợp với phát triển chăn nuôi.
Sau nhiều năm kiên trì vận động nhân dân thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo, đổi mới nếp sống văn hoá, đến nay, nhân dân trong khu vực đã cơ bản xoá xong hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn 70%. Một số thôn đã có hộ làm ăn khá như: thôn Khuổi Cấp có 50% hộ đạt hộ khá, thôn Khuổi Tẳng có 30% hộ đạt khá. Tình hình an ninh trật tự tại các thôn, tại Khu du lịch Mẫu Sơn được ổn định; đồng bào chấp hành các chính sách của Nhà nước và các quy định về biên giới. Với nhiều cố gắng, nỗ lực, ông Đặng Tăng Phúc được các cấp, ngành ghi nhận là một người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng dân cư. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/2014), ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích có nhiều đóng góp trong phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh Tổ quốc giai đoạn (2009-2014) và được Bộ Công An tặng Bằng khen về thành tích già làng, trưởng bản có uy tín tại khu vực Tây Bắc và Vùng phụ cận.
Ý kiến ()