Ông Ngô Văn Tuấn được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình
Ông Ngô Văn Tuấn, sinh ngày 2/8/1971; quê quán: huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Kinh tế; trình độ chính trị: Cao cấp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, nhiệm kỳ 2015-2020.
Sáng 3/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình tiếp tục làm việc. Đại hội đã thông báo kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đã bầu 52 người vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu 12 người vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình khóa XVII.
Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020 được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng bầu các ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bùi Đức Hinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình.
[Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình]
Hội nghị cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 người; ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Ngô Văn Tuấn, sinh ngày 2/8/1971; quê quán: huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Kinh tế; trình độ chính trị: Cao cấp.
Ông Ngô Văn Tuấn đã trải qua các cương vị như Phó Trưởng phòng Vụ Chính sách tài chính; Phó chánh Văn phòng kiêm trợ lý Bộ trưởng; Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính); năm 2017, ông được Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; năm 2019, Ban Bí thư điều động, luân chuyển, chỉ định đồng chí tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, nhiệm kỳ 2015-2020
Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm với tinh thần “ Đoàn kết- dân chủ- kỷ cương- sáng tạo- phát triển” , Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc và thành công tốt đẹp vào chiều 3/10.
Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025, phấn đấu xây dựng tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, kinh tế đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Đại hội đã xác định tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch theo Luật Quy hoạch.
Tỉnh hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển. Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động.
Tỉnh tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; trong đó tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết. Tăng cường quản lý, phân cấp quản lý đầu tư; thực hiện hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng các công trình.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình giao thông trọng điểm để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch; đồng thời tranh thủ các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ Trung ương, phát huy nội lực địa phương đầu tư các công trình trọng điểm.
Ban hành các chính sách ưu đãi để xã hội hóa đầu tư cho các công trình văn hóa, thể thao. Chú trọng tạo nền tảng phát triển mạng lưới bưu chính theo hướng hạ tầng chuyển – phát để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số… Xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân, giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc ngay từ cơ sở.
Trong đó mục tiêu tổng quát là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ công chức ngang tầm nhiệm vụ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tập trung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự…
Một số mục tiêu nổi bật là, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 đạt 9%. Đến năm 2025: GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 38%.
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 8%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hằng năm tăng bình quân 18% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5-3%/năm. Đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới hơn 70%.
Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, hằng năm có từ 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ và 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Có từ 80% chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ và 80% tổ chức cơ sở của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Phát biểu bế mạc Đại hội, tân Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ công chức ngang tầm nhiệm vụ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tập trung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn đề nghị ngay sau Đại hội này, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ cần tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về kết quả của Đại hội.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp ngành xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể đưa Nghị Quyết vào cuộc sống. Đồng thời, phát huy truyền thống đoàn kết, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy, khơi dậy ý chí khát vọng phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra./.
Ý kiến ()