Ông Nam làm giàu từ trồng cây ăn quả
LSO-“Năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm” là chia sẻ của mọi người về ông Phạm Văn Nam, thôn Đồng Tân, xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng. Ông được mọi người biết đến với mô hình trồng cây ăn quả, thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Văn Nam chăm sóc cây ăn quả
Ông Nam sinh năm 1969, quê ở thôn Duyên Giang, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 1973, gia đình ông từ quê chuyển lên khai hoang, lập nghiệp ở xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng.
Sau khi lập gia đình, ra ở riêng, vợ chồng ông Nam được bố mẹ chia cho 1 mẫu đất bãi và được hợp tác xã chia cho 2,5 sào ruộng. Để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học, vợ chồng ông tập trung trồng hoa màu: sắn, khoai, ngô, đỗ; cấy lúa và chăn nuôi.
Năm 1995, về quê, ông Nam mang theo 300 cây na lên để trồng. Sau đó, nhờ tích góp được chút vốn, năm 1998, ông mua hơn 4 mẫu đất dự định trồng cây ăn quả. Thời điểm đó, người dân Hữu Lũng đang phát triển mạnh cây vải nên gia đình ông cũng chuyển đổi trồng 120 cây vải.
Ông Nam chia sẻ: Năm 2014 là một bước ngoặt quan trọng với tôi khi tình cờ qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đến các mô hình trồng cây ăn quả có múi cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi suy nghĩ, tôi bàn với gia đình dồn vốn để đầu tư mua cây giống trồng bưởi da xanh, bưởi Diễn, mít Thái, ổi Đài Loan. Nghĩ là làm, tôi gọi điện ngay cho con gái học ở Sài Gòn để nhờ mua các loại cây giống tại Bến Tre.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu cũng như căn cứ vào tình hình thực tế quỹ đất của gia đình, ông Nam quyết định trồng xen kẽ các loại cây như bưởi với ổi và mít… để tận dụng diện tích đất, “lấy ngắn nuôi dài”. Đặc biệt, để có hiệu quả cao, ông chọn cách trồng cây chiết và cây ghép để sớm có thu hoạch và có vốn quay vòng.
Năm 2015, ông trực tiếp đi tham quan, học hỏi kỹ thuật chiết, ghép ở Bến Tre để chủ động nguồn cây giống cũng như sản xuất cây giống cung cấp cho bà con khi có nhu cầu.
Là người đầu tiên trồng bưởi da xanh, mít Thái, ổi Đài Loan ở xã nên gia đình ông Nam gặp nhiều khó khăn về nguồn điện, nguồn nước tưới phục vụ chăm sóc cây; sâu bệnh hại. Nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, sau 3 năm, vườn cây ăn quả của ông đã cho thu những trái ngọt đầu tiên. Từ đó đến nay, hằng năm, ông có nguồn thu ổn định 6 – 7 tấn na/vụ; 1 tấn mít Thái; 3 – 4 tấn ổi Đài Loan; 4 – 5 tấn bưởi da xanh/năm… với giá bán ổn định. Với chất lượng quả tốt, mẫu mã đẹp, gia đình ông Nam bán lẻ được rất nhiều và bán buôn cho các thương lái ở Bắc Giang, Thái Nguyên.
Ông Hoàng Văn Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tiến cho biết: Ông Phạm Văn Nam là một trong những hội viên tiêu biểu của hội nông dân xã với mô hình kinh tế điển hình cho thu nhập cao. Đây chính là hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi đưa cây bưởi da xanh, mít Thái, ổi Đài Loan vào trồng đầu tiên tại xã. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình trồng cây ăn quả, ông Nam luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ về kỹ thuật, đồng thời cung cấp cây giống cho bà con. Với những nỗ lực và đóng góp đó, gia đình ông Nam vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình năm 2016.
Hiện nay, gia đình ông duy trì hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả với 1.000 cây na; 100 cây mít Thái; 900 cây bưởi da xanh; 100 cây bưởi Diễn; hơn 200 cây ổi Đài Loan. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng diện tích đất trống để trồng măng, rau bò khai, tỏi… nhằm nâng cao thu nhập.
Ý kiến ()