Ông Lừng vượt khó làm giàu
(LSO) – Từ hai bàn tay trắng, mua từng thước đất để phát triển kinh tế, ông Dương Công Lừng, thôn Nà Nâm, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn đã tạo dựng cho mình một mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả. Ông là tấm gương tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã.
Ông Lừng sinh năm 1966, trong một gia đình nghèo khó có tới 12 anh, chị em. Bố mất sớm, nhà đông em nên học hết lớp 4, ông phải nghỉ học để phụ giúp mẹ kiếm tiền nuôi các em. Năm 2000, ông lập gia đình ra ở riêng nhưng vì gia đình hai bên quá nghèo nên vợ chồng ông chỉ được 1 chỗ ở, không một thước ruộng để cấy hái.
Để mưu sinh, hằng ngày vợ chồng ông đi kiếm củi, làm thuê… Sau 5 năm cần mẫn tích lũy, vợ chồng ông mua được 1 ha ruộng; 2 ha đất bãi và khai hoang được 5 ha rừng.
Ông Dương Công Lừng nâng cao thu nhập từ nuôi trâu, bò nhốt chuồng
Ông Lừng tâm sự: Có đất là tư liệu sản xuất trong tay, vợ chồng tôi trồng hơn 1.000 cây hồi, 200 cây quýt… là những giống cây bản địa. Tuy nhiên, xác định trồng rừng phải mất thời gian dài mới được thu hoạch nên trồng rừng xong, tôi tích cực làm màu, trồng thuốc lá, chăn nuôi lợn, trâu bò… để lấy ngắn nuôi dài.
Năm 2014, qua học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các mô hình chăn nuôi của bạn bè, ông Lừng mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Để chăn nuôi hiệu quả, ông trồng 1,4 mẫu cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn tại chỗ. Đồng thời, ngay từ khi mua trâu, bò về trước khi vỗ béo ông đã chú trọng khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc – xin đầy đủ… Nhờ đó, đàn vật nuôi của gia đình sinh trưởng, phát triển rất tốt. Hiện nay, mỗi năm, ông nuôi 2 lứa trâu, bò vỗ béo, mỗi lứa từ 7 – 10 con, trừ chi phí ông thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông Lừng tận dụng hiệu quả quỹ đất, quỹ thời gian để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Theo đó, cùng với phát triển chăn nuôi, năm 2016, qua nghiên cứu, tìm hiểu, ông về Hưng Yên mua cây giống cam Canh, cam Vinh để trồng. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm 400 cây cam Canh và 60 cây cam Vinh (trồng bằng cây ghép).
Sau khi mua cây giống, ông nhờ nhà vườn cung cấp giống hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành. Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu xuống giống, ông Lừng đã xác định trồng và chăm sóc cây theo hướng hữu cơ. Vì vậy, ông chủ động ngâm, ủ đỗ tương, ngô; ủ phân chuồng hoai mục… để bón cây.
Ông cho biết: Đối với cây ăn quả, quan trọng nhất là phải chăm bón, tỉa cành đúng thời điểm, đúng quy trình cây mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Nhờ chăm sóc tốt vườn quả nên năm 2018, tôi thu được hơn 7 tấn quả, với giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lãi 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, hiện nay, tôi đã mở rộng thêm vườn với 800 cây cam đường Canh, 70 cây cam Vinh và gần 100 cây bưởi các loại….
Ông Dương Nam Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết: Ông Lừng là hội viên nông dân tiêu biểu của xã Tân Lập bởi sự nỗ lực vươn lên. Trước đây, gia đình là hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng với sự cần cù, năng động, nhạy bén thị trường, đến nay, gia đình đã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, trồng hồi và cây ăn quả (khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm). Không chỉ tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Lừng còn rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm cho bà con trong thôn, xã khi họ có nhu cầu. Với những cố gắng, nỗ lực đó, ông xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trên địa bàn.
Ý kiến ()