Ông Liêm khởi nghiệp từ nghề mộc
– Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng với sự kiên trì, không ngừng học hỏi, nỗ lực vươn lên, ông Hoàng Văn Liêm (sinh năm 1969), thôn Còn Sung, xã Đình Lập, huyện Đình Lập đã trở thành tấm gương nông dân tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG)” trên địa bàn với mô hình sản xuất đồ gỗ.
Ông Liêm sản xuất sản phẩm tại xưởng gỗ của gia đình
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ khi còn trẻ, ông Liêm đã có niềm đam mê với nghề mộc. Năm 1992, gia đình ông chuyển từ huyện Lộc Bình vào huyện Đình Lập sinh sống, lập nghiệp. Nhận thấy đây là vùng đất có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào nên ông đã quyết định khởi nghiệp với nghề mộc. Ban đầu, xưởng sản xuất gặp khó khăn như: sản phẩm làm ra còn đơn giản, chưa đáp ứng được thị trường tiêu thụ; thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị… Tuy nhiên, với niềm đam mê và sự cần cù, ông đã khắc phục mọi khó khăn, từng bước đưa xưởng mộc ngày một phát triển. Trong quá trình sản xuất, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, để nâng tầm và phát triển nghề, ông thường xuyên học hỏi kinh nghiệm thông qua những người làm nghề lâu năm, tivi, sách báo và chủ động rèn luyện nâng cao tay nghề, tìm tòi thay đổi mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường.
Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất, ông Liêm cho biết: Để tồn tại và phát triển nghề mộc dân dụng, tôi luôn đặt tiêu chí lựa chọn chất lượng gỗ lên hàng đầu, gỗ phải đủ tiêu chuẩn, đảm bảo số tuổi, kích thước và không bị mối, mọt… Để tạo ra một sản phẩm đẹp, tôi luôn cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ, sao cho sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn theo nhu cầu thị trường, mẫu mã đẹp, phong phú, chất lượng và có tính cạnh tranh cao.
Nhờ sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất đồ gỗ của ông dần được nhiều khách hàng trong và ngoài huyện ưa chuộng, lựa chọn. Những năm gần đây, kinh tế gia đình ổn định hơn, từ năm 2015 đến nay, ông đã đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại như máy đục, máy bào, máy xẻ… nhằm sản xuất ra các sản phẩm đồ gỗ có chất lượng và tính thẩm mĩ cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm như: sập gụ, tủ chè, bàn ghế, giường, tủ quần áo… được ông kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với hiện đại, đường nét hoa văn đặc sắc, sinh động và tinh tế. Từ năm 2017 đến nay, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm xưởng mộc của gia đình ông đem lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng. Cùng với đó, xưởng mộc của ông còn tạo việc làm ổn định cho 3 nhân công với mức lương từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ sản xuất giỏi, gia đình ông Liêm còn luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các gia đình khó khăn khác cùng phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Ngoài ra, gia đình ông luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương.
Anh Hoàng Văn Huấn, thôn Còn Sung, xã Đình Lập cho biết: Vốn đam mê nghề mộc và nhận thấy mô hình sản xuất mộc của ông Liêm đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực nên tôi đang theo học nghề với ông. Trong quá trình học nghề, tôi luôn được ông quan tâm, tận tình chỉ dẫn. Tôi sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có thể phát triển và trang trải cuộc sống từ nghề mộc.
Bà Lý Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội nông dân (HND) xã Đình Lập cho biết: Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Liêm luôn tích cực tham gia các hoạt động do HND và địa phương phát động và là một trong những hội viên tiêu biểu của xã. Ông cũng là hội viên tích cực tham gia các phong trào hội và thường xuyên hỗ trợ, tạo việc làm cho nhiều hội viên khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu để các hội viên khác học và noi theo.
Được biết, thời gian tới, ông Liêm dự định tiếp tục quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử và giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương…
Ý kiến ()