Ông lão làm giàu từ nuôi ong
Ông chia sẻ: khi còn công tác từ năm 1965 của thế kỷ trước, tôi đã mê nghề nuôi ong. Nhưng hồi ấy, tôi chỉ nuôi một vài đàn cho vui. Đến năm 1990, sau khi nghỉ hưu, ông mới chính thức hành nghề, “làm ăn lớn” và đứng ra tổ chức hội.
Nếu tính “thâm niên” thì ông là một trong những người nuôi ong sớm nhất ở huyện Hữu Lũng. Khi được hỏi tại sao ông lại say mê nghề nuôi ong đến thế, ông nói: Trên 50 năm “làm bạn” với con ong, tôi mới hiểu “xã hội” loài ong. Ngoài việc mang lại lợi ích kinh tế, loài ong đã dạy cho tôi nhiều bài học, những bài học về “nhân sinh”. Ông tâm sự: Loài ong là một loài có tính xã hội, tính tổ chức rất cao. Một tổ ong có rất nhiều “nhân khẩu” nhưng “ai” vào việc nấy, không có “ai” làm việc lẫn lộn của nhau, đùn đẩy công việc cho “ai”, không có kẻ ăn không ngồi rồi”…
Lựa lúc ông dừng lời, tôi hỏi: Tại sao ông lại biết tường tận về sinh hoạt, đời sống của loài ong như vậy?. Ông bảo: Khi đọc những tài liệu viết về loài ong, kỹ thuật nuôi ong tôi đi vào nghiên cứu thực nghiệm theo dõi, xem xét thực tế thì đúng như vậy… Làm việc gì cũng phải cố gắng hiểu tường tận về cái đó. Làm nghề gì cũng để thu hoạch tiền của, nhưng tôi nghĩ cũng là để thu hoạch về sự hiểu biết nữa – đó là văn hóa lao động.
Tôi được biết, ngày 12/3/2009, tại lớp học tập huấn về kỹ thuật nuôi ong ở huyện Hữu Lũng, gần 60 người ở các xã trong huyện đã về dự, được nghe ông giới thiệu về kỹ thuật và những kinh nghiệm của bản thân về nuôi ong để có được sản lượng cao và chất lượng mật tốt. Sau lớp tập huấn đó, số người nuôi ong ở huyện Hữu Lũng ngày một tăng. Riêng Hội của ông đã có 31 hội viên, ở 9 xã trong huyện với gần 1.000 đàn ong. Hằng năm, bình quân thu trên 10 tấn mật. Nếu giá mật hiện nay từ 150.000 – 200.000 đồng một lít thì hằng năm, Hội ông thu được trên 2 tỷ đồng. Riêng ông trung bình cũng được trên 100 triệu đồng/năm.
Được biết, hằng năm, ông còn tổ chức những cuộc “giao ban” với các hội viên để rút kinh nghiệm và “phân phối” địa bàn cho ong đi “dã ngoại” theo mùa hoa từng vùng. Địa bàn: Bản Thí, Chi Lăng (Lạng Sơn), Sơn La, Mộc Châu, Bắc Giang… đến hết mùa hoa ở những nơi đó mới rút “quân” về.
Trên quốc lộ 1A, đoạn qua Dốc Mới xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) có một tấm biển: “Mật ong Hữu Lũng – Mật ong rừng nguyên chất, điện thoại 0253.825.127” – Đó là nhà riêng của ông Đào Khắc Trường cũng là trụ sở giao dịch của Hội nuôi ong huyện Hữu Lũng. Năm 2012, ông được UBND tỉnh tặng bằng khen hộ gia đình làm kinh tế giỏi.
Ông còn là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Sơn Hà, là người tận tụy, chịu khó, tích cực lăn lộn với công tác hội nên được hội viên yêu mến và mến phục. Gia đình ông nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Ý kiến ()