Ông Lâm làm giàu từ trồng cây ăn quả
- Hồng không hạt Bảo Lâm là sản phẩm đặc sản của huyện Cao Lộc. Những năm qua, từ trồng loại hồng này, nhiều hộ gia đình đã tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Trong đó, điển hình có gia đình ông Lã Văn Lâm (sinh năm 1967), thôn Kéo Cặp, xã Hòa Cư. Bằng khát vọng làm giàu và sự cần cù, sáng tạo, gia đình ông đã thành công với mô hình trồng hồng Bảo Lâm đem lại thu nhập 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở thôn Kéo Cặp, ông Lâm thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Trước đây, gia đình ông Lâm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập chính chủ yếu từ cây lúa, ngô nhưng chỉ tạm đủ ăn. Sau nhiều năm tìm tòi hướng sản xuất mới, năm 2016, ông đã mạnh dạn cải tạo và chăm sóc gần 1 ha cây hồng trên đồi rừng ông cha để lại và trồng thêm gần 2 ha cây hồng Bảo Lâm.
Quá trình trồng và chăm sóc, ông gặp không ít những khó khăn do chưa có kinh nghiệm như: cây bị sâu bệnh hại, còi cọc, sai ít quả… Không khuất phục trước khó khăn, ông vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm để chăm sóc vườn cây.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lâm cho biết: Để cây hồng phát triển tốt, tôi tiến hành tỉa thưa bớt những cây còi cọc, chặt bỏ các cây đã bị sâu bệnh. Đồng thời, tôi chủ động đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được học thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng do xã phối hợp tổ chức vào trồng và chăm sóc vườn hồng.
Theo đó, nhận thấy cây hồng thường dễ mắc các bệnh như: sâu đục cành, sâu đục quả, thán thư… nên ông Lâm luôn theo dõi để kịp thời phát hiện và với mỗi loại sâu, bệnh, ông tìm hiểu và phun thuốc, chữa trị bằng các biện pháp phù hợp. Đặc biệt, vào thời kỳ cây rụng lá, nghỉ đông, ông sẽ chủ động phát cỏ và bón phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng, giúp vụ sau cây sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả.
Nhờ được chăm sóc tốt nên đến nay, vườn hồng hơn 3 ha với 700 cây hồng luôn sinh trưởng tốt, 400 cây hồng đang cho thu hoạch. Trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm, cây hồng cho thu hoạch từ 50kg/cây với giá bán hơn 30 nghìn đồng/kg đem lại doanh thu trên 600 triệu đồng/năm. Trừ chi phí, hằng năm, gia đình ông Lâm có nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.
Ngoài hồng Bảo Lâm, gia đình ông Lâm còn tận dụng một số diện tích vườn khác để trồng mận cơm, xoài... và đào ao thả cá, nuôi gà, làm vườn ươm giống cây hồng cho thu nhập 80 triệu đồng/năm.
Không chỉ mạnh dạn, giỏi làm kinh tế, ông Lâm còn được nhiều người dân trong xã quý mến bởi sự nhiệt tình, thân thiện, luôn giúp đỡ mọi người và tạo việc làm thời vụ cho một số lao động tại địa phương. Bà Lộc Thị Dung, thôn Bản Lành, xã Hoà Cư cho biết: Mỗi khi đến mùa thu hoạch hồng, tôi thường được ông Lâm tạo việc làm từ việc thu hái hồng với mức lương 300 nghìn đồng/ngày. Không chỉ vậy, ông còn nhiệt tình hướng dẫn tôi và bà con xung quanh cách trồng, chăm sóc cây hồng sao cho cây phát triển tốt, cho năng suất cao để tôi áp dụng vào thực tế tại vườn hồng của gia đình.
Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới của thôn, xã; góp sức, ủng hộ tiền mặt và hiến hơn 500 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.
Nhận xét về ông Lâm, anh Hứa Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Cư cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Lâm còn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của hội. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên nông dân trong xã có nhu cầu học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây ăn quả của mình. Bên cạnh đó, gia đình ông Lâm còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho 4 - 6 lao động ở xã, giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với sự vượt khó vươn lên, tích cực thi đua trong lao động sản xuất, ông Lâm nhiều lần được các cấp, ngành khen thưởng. Đặc biệt, mới đây, ông Lâm vinh dự là 1 trong 11 hội viên nông dân tiêu biểu của tỉnh được Hội Nông dân tỉnh bình chọn là “Nông dân xuất sắc” năm 2024.
Ý kiến ()