Ông Cương làm giàu từ kinh doanh nông sản
– Nhờ sự năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, thời gian qua, ông Hoàng Văn Cương, sinh năm 1976, thôn Nà Pán, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn thực hiện mô hình kinh doanh nông sản, cây dược liệu. Qua đó đã giúp gia đình ông trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, đem lại lợi nhuận trên 700 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn xã.
Ông Hoàng Văn Cương kiểm tra chất lượng cây quế
Những ngày đầu tháng 6/2023, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Cương tại thôn Nà Pán, xã Vũ Sơn trong lúc ông đang khẩn trương sắp xếp, kiểm tra hàng hóa trong kho. Chia sẻ với chúng tôi, ông Cương cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều năm trăn trở, nghiên cứu tìm tòi các mô hình kinh tế, nhận thấy gia đình sẵn có về đất đai gần đường quốc lộ thuận tiện cho việc giao thương nên tôi đã lựa chọn xây dựng mô hình thu mua hàng nông sản và cây dược liệu của người dân.
Năm 2017, ông Cương mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân xã quản lý và 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để thực hiện mô hình. Nhờ có vốn, ông đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, sân bãi trên diện tích 2.500 m2 và mua một số máy móc sơ chế hàng nông sản. Theo đó, ông tiến hành thu mua các mặt hàng như: thóc, ngô, quế, hồi của bà con trên địa bàn xã và các huyện lân cận.
Thời gian đầu khi mới bắt tay vào làm, ông cũng gặp nhiều khó khăn do các mặt hàng chủ yếu được xuất bán lại cho các thương lái trong nước nên giá cả bấp bênh, thậm chí có thời điểm gia đình ông còn bị lỗ. Không nản chí, ông Cương đã chủ động tìm kiếm các thương lái trong nước và Trung Quốc có nhu cầu thu mua các mặt hàng nông sản để đảm bảo đầu ra và giá cả.
Nhận thấy mô hình dần có hiệu quả, ông tiếp tục tích góp và mở rộng mô hình. Từ năm 2019 đến nay, gia đình ông thu mua thêm cây dược liệu của bà con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu mua hơn 900 tấn quế, 3.600 tấn hồi, 400 tấn thạch đen, 100 tấn thóc, 120 tấn ngô, 60 tấn cây dược liệu trên địa bàn xã và các xã lân cận, đồng thời mở rộng sang các tỉnh khác như: Cao Bằng, Bắc Kạn… Hiện nay, một số mặt hàng như quế, hồi của gia đình ông không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất bán sang Trung Quốc và một số nước châu Âu. Không dừng lại ở mô hình thu mua nông sản, dược liệu, đến nay gia đình ông Cương đã mua 40 ha rừng quế tại huyện Bình Gia, trong đó một số diện tích đã cho khai thác, hằng năm đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Với nguồn thu nhập từ kinh doanh nông sản, trồng rừng đã đem lại cho gia đình ông thu nhậptrên 700 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Từ hiệu quả của mô hình thu mua nông sản, gia đình ông đã tạo việc làm cho 20 đến 30 lao động thời vụ và 10 lao động chính thức với thu nhập từ 6 đến hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Bà Nguyễn Thị Hà, thôn Nà Pán, xã Vũ Sơn cho biết: Gia đình tôi trước đây chủ yếu làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Từ ngày cơ sở thu mua nông sản của ông Cương đi vào hoạt động, tôi đã xin vào đây làm với mức lương ổn định 7,5 triệu đồng/tháng.
Ông Nông Văn Tụ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Sơn cho biết: Ông Cương là hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Không chỉ làm kinh tế giỏi, những năm qua, gia đình ông Cương luôn tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào, hoạt động của xã phát động và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự năng động, nhạy bén với thị trường đã giúp ông Cương trở thành tấm gương sáng để các hội viên khác học tập, noi theo.
Ghi nhận những nỗ lực của ông, nhiều năm liền, ông được Hội Nông dân huyện, xã công nhận, khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện nay, Hội Nông dân xã đang đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho ông Hoàng Văn Cương vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua chuyên đề đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Ý kiến ()