Ông chủ trang trại đầu tiên ở một huyện nghèo
Ông Lô Văn Toán (người đầu tiên bên phải) chăm sóc đàn lợn. Những năm trước, ông Lô Văn Toán, người dân tộc Thái ở bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) "liều lĩnh" bỏ thói quen đốt nương làm rẫy đã gắn bó bao đời với đồng bào mình để tìm hướng phát triển kinh tế mới. Không đốt rừng làm rẫy, chưa quen với cách làm mới, gia đình ông bị thiếu đói gần cả năm trời. Thế nhưng sau gần 10 năm miệt mài theo đuổi, không biết bao gian khổ, thất bại, đắng cay rồi những ao cá, bể ếch, gà đen, đàn bò, rừng cây gỗ quý... đã mang lại cho ông cả cơ nghiệp trị giá tiền tỷ. Lão nông Lô Văn Toán được cấp giấy chứng nhận trở thành ông chủ trang trại đầu tiên của một trong những huyện nghèo nhất nước.Bỏ đốt rừng đi... trồng rừngDẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình tại khu vực khe Chu Lu, lão nông Lô Văn Toán, hồ hởi nói: 'Với diện tích 10 ha, hiện trang trại của tôi có ba ao cá, năm bể nuôi ếch, nuôi...
|
Bỏ đốt rừng đi… trồng rừng
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình tại khu vực khe Chu Lu, lão nông Lô Văn Toán, hồ hởi nói: 'Với diện tích 10 ha, hiện trang trại của tôi có ba ao cá, năm bể nuôi ếch, nuôi ba ba, chuồng nuôi lợn, khu nuôi gà đen, khu nuôi bò… gần 1.000 cây xoan trồng đã có thể thu hoạch, khoanh nuôi, bảo vệ gần 500 cây đinh hương, 3.000 cây săng lẻ… Có người đã đến ngã giá cái trang trại của tôi 1,7 tỷ đồng'. Vừa đi, ông say mê giới thiệu về giá trị của loại gỗ quý đinh hương đang có trong trang trại của mình, rồi giọng lão nông này chùng xuống: 'Nhưng để được như hôm nay thì cả gia đình chúng tôi đã phải trải qua không biết bao nhiêu thiếu thốn, gian khổ, thất bại, đắng cay trong việc chuyển đổi hướng phát triển kinh tế'.
Những năm 1993 trở về trước, để đủ gạo cho gia đình bảy miệng ăn, vợ chồng lão nông Lô Văn Toán với năm người con cũng theo làng xóm, phá rừng, đốt nương làm rẫy để trồng lúa. Đất đồi này bị cằn, gia đình ông lại tìm cánh rừng khác để đốt lấy đất sản xuất. Thế nhưng những vụ mùa bội thu trên rẫy dốc cũng chỉ giúp gia đình ông đủ ăn mà chẳng thể dư thừa. Thời điểm đó, với nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc nơi đây, đủ ăn đã là một niềm hạnh phúc lớn.
Vậy mà đầu năm 1994, lão nông Lô Văn Toán tuyên bố, sẽ không vào rừng đốt nương làm rẫy nữa để tìm hướng làm kinh tế khác sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu. 'Tuyên bố đó, làm cho nhiều người trong bản bảo tôi điên, nói dóc, không đi làm rẫy thì để cả nhà chết đói hết à? Nhưng tôi vẫn quyết định không tàn phá thêm rừng nữa, một mặt cho vợ con tiếp tục canh tác lúa trên diện tích rẫy dốc đang có, mặt khác, tôi lên xã xin nhận 10 ha đồi, núi hoang vu ở vị trí khe Chu Lu bây giờ'. Ông Toán nhớ lại.
Khi đã có một diện tích đất lớn, ông Toán bắt tay vào thực hiện những dự định vốn có từ lâu: Đào ao tận dụng nguồn nước khe Chu Lu để thả cá, khoanh vùng để thả gà đen, phát cây bụi trồng xoan, bảo vệ săng lẻ, đinh hương trong diện tích đất đồi được giao. 'Nhưng từ ý nghĩ đến hành động khó thật, khó nhất là mình không có vốn. Tôi đã chạy vạy khắp nơi để vay được một triệu đồng mua cá giống về thả, hàng nghìn cây xoan về trồng. Sau gần một năm, cá dưới ao đã lớn, cả gia đình đang tràn đầy hy vọng sẽ bán cá để có thể mua gạo. Nhưng một trận mưa lớn đã quét trôi tất cả. Thế là gia đình tôi bị đói dài, rơi vào thời điểm khó khăn nhất'. Ông Toán tâm sự. Tuy thất bại trong vụ cá đầu tiên, nhưng nhìn hàng nghìn cây xoan mình trồng, hàng trăm cây đinh hương, săng lẻ sau khi phát quang đang phát triển tốt thì ông Toán vẫn tin là mình đang đi đúng hướng nên vẫn quyết tâm làm lại.
'Quả ngọt' của một mô hình
Rút kinh nghiệm sau thất bại của vụ cá đầu tiên, ông Toán đã đào mương thoát nước cho ao, chuẩn bị chuồng để nuôi gà. Nhưng thách thức lớn nhất của ông vẫn là tìm nguồn vốn, số nợ một triệu đồng vẫn chưa trả nổi, muốn vay thêm cũng chẳng ai cho. 'Không có vốn tôi không thể làm được gì, lúc này tôi đã nghĩ tới việc bỏ tất cả để trở lại đốt rừng làm rẫy. Nhưng may thay, tôi đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ cán bộ, chính quyền địa phương. Đó là bước ngoặt quan trọng để tôi có được như ngày hôm nay'. Ông Toán khẳng định.
Thời điểm mà ông Toán gặp khó khăn nhất trong việc phát triển kinh tế cũng là thời gian mà Ban Thường vụ Huyện ủy – Ban Chấp hành Đảng bộ khóa 19 huyện Kỳ Sơn đã ra quy chế: Tất cả đảng viên từ Thường vụ Huyện ủy đến Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, xã, mỗi đồng chí chịu trách nhiệm đỡ đầu một gia đình nghèo, mỗi cơ quan gắn với một xã nghèo. Mỗi đảng viên tùy điều kiện, khả năng có thể giúp bà con thoát nghèo bằng một trong bốn cách sau:
Một là, nếu bản thân có vốn thì cho bà con vay không lấy lãi.
Hai là, bản thân đứng ra thế chấp cho bà con vay ngân hàng.
Ba là, giúp bà con cây giống, con giống hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng.
Bốn là, thường xuyên đến gia đình nghèo để giáo dục đốc thúc, kiểm tra một, hai lần/ tuần.
Năm 1995, gia đình ông Lô Văn Toán được bà La Thị Thùy, lúc đó đang là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn nhận giúp đỡ. 'Kế hoạch của tui như được chắp thêm cánh, chị Thùy đã đứng ra thế chấp ngân hàng cho tui vay hai triệu đồng để tiếp tục phát triển sản xuất, đồng thời thường xuyên vào động viên, hướng dẫn kỹ thuật giúp tôi phát triển các loại cây trồng, vật nuôi'. Ông Toán hồ hởi nhắc lại chuyện như vừa mới hôm qua.
Từ số tiền hai triệu đồng vay được của ngân hàng, ngoài việc mua cá giống để thả, ông Toán mua thêm giống gà, cặp lợn để nuôi. Sự chăm chỉ, cần cù của gia đình ông lại được sự giúp đỡ tận tình, thường xuyên của đảng viên La Thị Thùy nên mọi việc đều tiến triển tốt như ông mong muốn. Cuối năm đó, từ việc bán cá, bán lợn đã mang lại cho ông số tiền năm triệu đồng, không chỉ trả hết nợ ngân hàng, ông Toán còn tiếp tục mua thêm bò để chăn thả.
Dưới bàn tay của 'bà đỡ' La Thị Thùy, gia đình ông Toán đã luôn được tiếp cận giống cũng như kỹ thuật mới của các loại cây trồng, vật nuôi. Chỉ trong năm năm, gia đình lão nông Lô Văn Toán đã thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu bền vững. Về sau, ông còn mạnh dạn đi tiên phong trong việc xây bể nuôi ba ba, nuôi ếch ở vùng đất có điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Giờ đây, sau bao nhiêu năm làm trong thực tế, ông Toán trở thành kho tư liệu về kinh nghiệm sản xuất các loại cây, con giống bình thường. Ông cũng có đầy đủ cơ sở vật chất và có thể nói vanh vách kỹ thuật nuôi ếch, nuôi ba ba, lợn rừng… những loài chăn nuôi có giá trị kinh tế cao.
Cuối năm 2010, mô hình phát triển kinh tế của ông Lô Văn Toán được huyện Kỳ Sơn cấp sổ chứng nhận là trang trại đầu tiên của huyện này. Nó đang là động lực thúc đẩy việc phát triển kinh tế của nhân dân nơi huyện nghèo nhất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()