Chủ nhật, 24/11/2024 02:46 [(GMT +7)]
Ông chủ gạch ba banh
Thứ 5, 02/08/2012 | 08:26:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Những năm gần đây, nghề sản xuất gạch ba banh phát triển khá mạnh ở xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia. Trong đó “nức tiếng” nhất là anh Nguyễn Thanh Bình ở thôn Pá Nim bởi cách làm ăn giữ uy tín, sản lượng hàng năm tăng, chất lượng tốt.
Anh Bình tại xưởng sản xuất gạch ba banh
Hiện tại, xưởng sản xuất gạch của anh Bình có diện tích trên 1.000m2; máy móc được cơ giới hóa gồm một máy bừa xỉ, hai máy ép gạch, xe vận chuyển tại bãi, xe tải vận chuyển gạch cho khách hàng cùng 4 công nhân làm việc; sản xuất 1.000 viên/ngày. Anh cho biết, từ đầu năm đến nay, đã bán trên 15 vạn viên, thu lãi gần 40 triệu đồng. Để đạt được thành công trong ngành nghề sản xuất gạch, vợ chồng anh đã trải qua nhiều khó khăn, trở ngại. Nhớ lại 9 năm về trước (1991 – 1999) sống ở khu vực cửa khẩu Cốc Nam (Văn Lãng), vợ chồng anh làm đủ các nghề chứa nhiều rủi ro, hiểm nguy, vất vả mà cuộc sống chỉ đủ ăn, do đó anh quyết định tìm một ngành nghề phát triển ổn định, bền vững hơn. Gần nơi ở của hai vợ chồng có một xưởng sản xuất gạch ba banh, thấy gạch ba banh là một loại sản phẩm mới, bán chạy, anh Bình quyết định rời cửa khẩu về quê (Bình Gia) mở xưởng sản xuất. Không có vốn, kỹ thuật, anh “liều” vay 30 triệu đồng từ ngân hàng sang Bằng Tường (Trung Quốc) mua máy đóng gạch, thuê địa điểm, vay tiền mua nguyên vật liệu, mày mò sản xuất gạch. Bằng những kiến thức, kinh nghiệm trước đây học lỏm được tại xưởng gạch ở Cốc Nam, anh đưa máy đi vào vận hành, từng viên gạch được ra khuôn nhưng gặp thất bại nặng nề bởi thị trường đang quen dùng gạch chỉ nung, giá rẻ tự dưng xuất hiện loại gạch đá trộn xi măng, kích cỡ to, giá thành đắt, cùng với việc pha trộn chưa đúng tỷ lệ, những mẻ gạch đầu tiên kém chất lượng khiến hàng vạn gạch làm ra không có người mua, máy móc đầu tư bị “đắp chiếu”. Quyết tâm phải thành công bằng được từ nghề này, nếu lùi bước sẽ không thể vực dậy được, năm 2000, anh Bình quay lại Cốc Nam nghiên cứu kỹ cách làm gạck và thị hiếu khách hàng, đặt cỡ khuôn hợp lý, thuê thợ đến hướng dẫn kỹ thuật. Áp dụng vào sản xuất, viên gạch đã có kích cỡ nhỏ hơn, đẹp mắt, không còn bị bở, giá cả hợp lý. Nhiều người đến xem và mua để xây thử công trình phụ, nhà ở nhỏ, dần dần thấy chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý. Năm 2000, anh tiêu thụ tới 20 vạn viên. Từ đây, nhiều hộ dân khác cũng thi nhau sản xuất gạch ba banh và cạnh tranh giá cả gay gắt. Anh Bình cho biết “nếu luôn đề cao chất lượng sản phẩm, tìm hiểu thị hiếu khách hàng, bán với giá hợp lý và luôn cung cấp gạch kịp thời thì không lo bị mất thị trường”. 10 năm trở lại đây, mỗi năm, 25 – 30 vạn viên gạch được cơ sở của anh sản xuất và cung cấp đến khách hàng trong, ngoài huyện (gấp đôi, gấp 3 các xưởng gạch lân cận), cho thu lãi từ 50 – 70 triệu đồng, tạo thu nhập ổn định từ 2 – 3 triệu đồng/tháng cho 4 – 8 lao động địa phương.
Ông Đặng Văn Đoán – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tô Hiệu nhận xét, anh Bình đã phát huy tốt bản chất người lính Cụ Hồ, ham học hỏi, không lùi bước trước khó khăn mà vươn lên làm giàu chính đáng. Từ một người có công việc không ổn định, khó khăn trong cuộc sống, với hai bàn tay trắng giờ trở thành ông chủ sản xuất gạch ba banh, là cá nhân kinh doanh giỏi tiêu biểu của Hội Cựu chiến binh xã và địa phương. Mặc dù bận kinh doanh nhưng anh Bình tham gia rất nhiệt tình vào các phong trào của Hội, được nhiều hội viên noi gương, học hỏi.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()