Ông chủ Công ty Vàng Phú Cường Nguyễn Ngọc Phương bị đề nghị 14-16 năm tù
Ông chủ Công ty Vàng Phú Cường bị cáo buộc chủ mưu, đứng đầu chuỗi hành vi vận chuyển 425 triệu USD qua biên giới, bị VKS đề nghị mức án 14-16 năm tù.
Trưa 22/4, sau hơn 1 ngày xét hỏi, đại diện VKSND TP Hà Nội công bố bản luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo trong vụ án vận chuyển trái phép hơn 425 triệu USD qua biên giới.
Theo đó, với cáo buộc là người chủ mưu, đứng đầu toàn bộ chuỗi hành vi vận chuyển 425 triệu USD, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường Nguyễn Ngọc Phương bị đề nghị mức án 14-16 năm tù về các tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Bị cáo Đinh Thị Diệu Thúy (Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Lotte P&D) bị đề nghị 36-42 tháng tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và 2-3 năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, tổng hợp hình phạt đề nghị 4 năm đến 5 năm 6 tháng.
8 bị cáo khác bị đề nghị từ 30 tháng đến 5 năm tù với tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Cùng vụ án, VKS đề nghị án tù 3-8 năm với 3 cựu cán bộ ngân hàng về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến 2018, Phương sử dụng nhiều doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài do bị cáo thành lập, điều hành để chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất, mua bán hàng hóa trong nước. Việc này để hợp thức vốn vay ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Trong nước, Nguyễn Ngọc Phương sử dụng các pháp nhân là Công ty Vàng Phú Cường, Công ty TNHH DPC Hà Nội, Công ty Cổ phần Giá Diệp, Công ty Cổ phần Quốc tế Lăng Nguyên, Công ty TNHH Chuyển giao khoa học và công nghệ quốc tế DPC, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Aqua-com, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển dự án Đông Đô.
Ở nước ngoài, Nguyễn Ngọc Phương sử dụng 3 doanh nghiệp ở nước ngoài do mình thành lập và điều hành là Công ty Louis Alliance Company Limited, International Trading HongKong Limited, Global Trading Service Limited.
Cơ quan công tố cáo buộc, từ năm 2014 đến 2018, Phương với vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo Thủy, Thúy phối hợp tính toán số tiền cần vay trong mỗi hợp đồng tín dụng, số tiền cần chuyển ra nước ngoài.
Sau khi trao đổi và thống nhất chủ trương vay vốn tại các ngân hàng, bị cáo Phương giao cho Thủy làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, giải ngân. Trên cơ sở làm việc với ngân hàng, Thủy trao đổi với Thúy về số tiền được giải ngân để lên phương án lập khống hồ sơ rồi chuyển tiền ra nước ngoài.
Để hợp thức hồ sơ nhập khẩu, Thúy còn làm giả hồ sơ hải quan nộp cho ngân hàng. Việc này nhằm giải ngân và thanh toán quốc tế với số tiền còn lại theo mỗi hợp đồng nhập khẩu, tạm nhập tái xuất.
Dưới sự chỉ đạo của bị cáo Phương, Thủy và Thúy chỉ đạo nhân viên cấp dưới dùng 6 doanh nghiệp trong nước lập khống hồ sơ nhập khẩu với 3 doanh nghiệp ở nước ngoài.
Qua đó, có 148 lượt tiền ra nước ngoài thông qua 3 ngân hàng trong nước với tổng số tiền hơn 214,1 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng) đã được chuyển trái phép.
Nguyễn Ngọc Phương còn bị cáo buộc có hành vi chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam bằng cách dùng 3 doanh nghiệp ở nước ngoài chuyển tiền vào các tài khoản ngoại tệ của cá nhân hoặc công ty trong nước là 212 triệu USD (khoảng hơn 4.773 tỷ đồng).
Sau đó, ông chủ vàng Phú Cường chỉ đạo rút ngoại tệ, quy đổi sang tiền VND. Tiền này được dùng để trả nợ các khoản vay ngân hàng đến hạn và dùng cho kinh doanh, chi tiêu cá nhân.

Ý kiến ()