Ông cha ta đánh giặc: Tháo rời ô tô vận chuyển vào chiến dịch
Cuối năm 1953, quân ta tổ chức kéo trọng pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ. Quãng đường dài hàng trăm ki-lô-mét, phải vượt qua địa hình phức tạp, trong khi trọng lượng các khẩu pháo rất nặng nên nhiệm vụ này gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ. Mỗi khẩu pháo phải có hàng chục chiến sĩ kéo. Nếu đường ít dốc và hôm nào khô ráo thì bộ đội kéo được vài ba cây số; nếu gặp trời mưa, đường lầy lội thì chỉ được vài trăm mét.
Thời điểm ấy, ở hậu phương, ta có hơn 40 chiếc xe GMC, là chiến lợi phẩm thu được của thực dân Pháp trong các trận đánh trước đó. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào đưa được những chiếc xe này lên chiến trường hỗ trợ bộ đội kéo pháo? Rất nhiều ý kiến được đề xuất, trong đó có phương án táo bạo tháo rời các bộ phận của ô tô rồi chuyển bằng đường sông Thao lên Tây Bắc. Phương án tháo rời các bộ phận của ô tô được thông qua.
Theo đó, gần 20 lính thợ vốn chỉ quen với công việc sửa chữa, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, nay học thêm phương pháp tháo, lắp ô tô. Mỗi bộ phận của xe khi tháo ra đều được đánh dấu, tương tự cách đánh dấu cột, kèo nhà mà người dân thường vẫn làm. Cùng lúc đó, các địa phương cử nhiều đội thuyền độc mộc, người góp tre gỗ, người góp sức ghép thuyền bè. Linh kiện ô tô được xếp gọn gàng lên các thuyền bè, ngày đêm ngược dòng sông Thao tiến về Điện Biên.
Đưa được hàng lên đến nơi, thứ tự theo đánh dấu, những người lính thợ lại cẩn trọng lắp các bộ phận thành ô tô hoàn chỉnh. Từng chiếc GMC bất ngờ xuất hiện như một phép màu, hỗ trợ bộ đội kéo pháo xuyên rừng vào hỏa tuyến.
Ý kiến ()