Ông cha ta đánh giặc: Sáng kiến đèn mõm nhái của lái xe Lộc Văn Trọng
Đồng chí Lộc Văn Trọng, người dân tộc Tày, quê ở xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng; là lái xe thuộc Cục Vận tải, Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần). Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, dù đã 49 tuổi nhưng đồng chí Lộc Văn Trọng vẫn tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Ông luôn táo bạo lái xe qua địa hình phức tạp, dũng cảm vượt mưa bom bão đạn của kẻ thù để vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch.
Trong một lần cùng đơn vị chở đạn dược phục vụ chiến dịch, khi gần đến đỉnh đèo Pha Đin, những chiếc xe đi đầu bị máy bay địch phát hiện, bắn phá, khiến một số xe bốc cháy. Ngay lập tức, đồng chí Lộc Văn Trọng nhanh trí lái xe phóng lên phía trước để đánh lạc hướng máy bay địch. Chạy được một quãng, hai lốp xe trúng đạn không thể đi tiếp. Chỉ có phương án lao xuống vực mới cứu được đạn và đoàn xe. Nghĩ vậy, đồng chí Lộc Văn Trọng lái xe lao xuống vực. Không ngờ mình còn sống, tỉnh dậy thấy hòm đạn 105mm vẫn còn nguyên trong thùng xe, ông bám dây leo ngược lên đường, cùng đồng đội cứu các xe bị máy bay địch bắn phá. Đêm hôm ấy, đơn vị phối hợp với dân công đưa xe và đạn dưới vực lên. Sửa chữa xong, đồng chí Lộc Văn Trọng và đồng đội tiếp tục lên đường vào mặt trận.
Sau khi quân ta tiêu diệt một số cứ điểm ở phía Bắc và phía Đông Điện Biên Phủ, quân Pháp bị vây chặt, ta chủ trương dùng cơ giới vận chuyển vũ khí, đạn dược lên mặt trận phía Tây. Đơn vị chọn một số đồng chí lái xe có kinh nghiệm, dũng cảm thực hiện nhiệm vụ, nhưng xe không bật đèn mà hai đồng chí công binh cầm khăn trắng chạy hai bên đường làm tiêu cho xe chạy. Trước tình huống đó, đồng chí Lộc Văn Trọng có sáng kiến lắp chiếc đèn mõm nhái ở gầm xe, ánh sáng chiếu ra đủ để lái xe nhìn thấy đường mà không bị địch phát hiện. Chuyến chạy thử của đồng chí Lộc Văn Trọng thành công. Đêm đến, những chiếc xe không đèn, chở đầy hàng nối nhau chạy về hướng Tây, góp phần bảo đảm đạn dược kịp thời cho chiến dịch.
Ý kiến ()