Ôn thi theo hướng thiết thực, hiệu quả
Học sinh lớp 12 A5, Trường THPT Việt Bắc trong giờ ôn tập nhóm |
Tổ chức ôn thi phù hợp
Kỳ thi này, Trường THPT Việt Bắc (thành phố Lạng Sơn) có 619 thí sinh lớp 12 đăng ký dự thi (ĐKDT), trong đó chỉ có 108 em dự thi để xét tốt nghiệp, còn lại 511 em dự thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển đại học – cao đẳng (ĐH-CĐ). Để đáp ứng với những điểm mới của kỳ thi năm nay, nhà trường đã tổ chức ôn luyện 3 môn thi là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ ngay từ đầu năm học. Cô giáo Đỗ Thị Ngọc Tĩnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ôn thi ngay từ đầu năm đã tạo được quỹ thời gian khá dồi dào, nâng cao ý thức học tập cho các em, đồng thời tạo điều kiện để ôn thi các môn tiếp theo khi có thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Không chỉ có Trường THPT Việt Bắc đề ra và thực hiện kế hoạch ôn thi sớm, mà hầu như tất cả các trường THPT trong toàn tỉnh đều thực hiện học và ôn tập ngay từ sau khai giảng. Thầy giáo Lê Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Pác Khuông (Bình Gia) cho rằng: Dành thời gian thỏa đáng cho ôn tập đã giúp các em hệ thống hóa tốt hơn, tránh tình trạng “bội thực kiến thức” do yếu tố thời gian. Ôn tập sớm, giáo viên cũng sẽ nhận biết được trình độ học sinh và có kế hoạch phụ đạo ôn luyện phù hợp đối tượng.
Khi đã có thông báo chính thức của Bộ GD&ĐT về các môn thi, hình thức thi và “chốt” thời gian nộp hồ sơ ĐKDT, các nhà trường đã căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của học sinh để tổ chức các lớp ôn tập phù hợp. Hơn 1 tháng qua, ngoài việc tiếp tục ôn tập nâng cao các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, với 6 lớp ôn thi dành cho học sinh dự thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, 12 lớp ôn thi dành cho học sinh dự thi bài tổ hợp Khoa học xã hội và 3 lớp ôn thi dành cho học sinh có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp, trường THPT Việt Bắc đã đáp ứng được việc hệ thống hóa kiến thức và bồi dưỡng kỹ năng làm bài cho các em.
Bám sát các đề thi minh họa
Ngày 14/5/2017, khi nhận được đề thi minh họa lần thứ 3, các nhà trường đã kịp thời in sao chuyển đến từng giáo viên bộ môn và các em học sinh; chỉ đạo các tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng về dung lượng kiến thức, mức độ khó dễ, sự sắp đặt tuần tự các câu hỏi, yêu cầu của đề, tiến hành cho học sinh làm bài, giáo viên chấm và chữa bài. Thầy giáo Ngô Thế Giang, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Việt Bắc cho biết: Từ hai đề mẫu do Bộ GD&ĐT công bố trước đây, đội ngũ giáo viên đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, tham khảo tài liệu, xây dựng nên những ngân hàng câu hỏi sát thực, phù hợp. Tiếp cận với đề thi minh họa lần này, đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường đã có sự “phản ứng” khá tích cực. Được coi như “phép thử” đối với học sinh trong kỳ thi tới, ở đề thi này, sự vừa phải về nội dung, sự hợp lý trong sắp xếp câu hỏi đã khiến các em tự tin hơn; khi chấm và chữa bài, giáo viên lưu ý những vấn đề có tính chất “kỹ thuật” để các em đỡ “ngợp” trước hệ thống câu hỏi.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, toàn tỉnh có 8.888 học sinh ĐKDT (6.912 học sinh lớp 12 hệ chính quy, 661 học sinh lớp 12 loại hình giáo dục thường xuyên và 1.315 thí sinh tự do). Do kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới như: mỗi tỉnh chỉ có 1 cụm thi; thí sinh học lớp 12 hệ chính quy phải làm 4 bài thi; thí sinh hệ giáo dục thường xuyên phải làm 3 bài thi (trừ môn Ngoại ngữ); thí sinh dự xét tuyển ĐH-CĐ được quyền làm cả 2 bài thi tổ hợp để khi xét lấy điểm bài thi có điểm cao hơn… Vì vậy, số môn ôn thi nhiều (ít nhất là 5-6 môn, nhiều nhất là 9 môn). Thời gian không còn nhiều, khối lượng công việc cuối năm học lại rất lớn, công tác ôn thi vẫn phải tiếp tục theo kế hoạch để các em vững kiến thức, thuần thục kỹ năng trong kỳ thi quan trọng này.
Ý kiến ()