Ôn lại vốn văn hóa nước nhà qua “Việt Nam văn hóa sử cương”
“Việt Nam văn hóa sử cương” là một trong những công trình quan trọng bậc nhất của học giả Đào Duy Anh, được biên soạn và xuất bản lần đầu năm 1938 và tái bản nhiều lần.
Mới đây, với mong muốn đưa đến cho bạn đọc những cuốn sách quý, được đầu tư xứng đáng cả về nội dung và hình thức, Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A phối hợp với Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm tái bản “Việt Nam văn hóa sử cương”.
Theo đại diện của Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, đội ngũ biên tập cuốn sách trên tinh thần hạn chế tối đa sự can thiệp nhằm tránh dẫn tới thay đổi nội dung, câu chữ và ý tứ của tác giả. Do đó, đã tiến hành biên tập cuốn sách này dựa trên bản in lần đầu tiên năm 1938 của Quan hải tùng thư (một cơ quan xuất bản do học giả Đào Duy Anh sáng lập và phụ trách, có trụ sở tại Huế thời bấy giờ); đồng thời tham khảo một số chi tiết trong bản in năm 1951 do NXB Bốn phương tái bản.
Cuốn sách “Việt Nam văn hóa sử cương” được Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A tái bản với diện mạo mới. |
Được biên soạn trên tinh thần “văn hóa là sinh hoạt”, cuốn sách của học giả Đào Duy Anh lược khảo lại tất cả các phương diện sinh hoạt về kinh tế, chính trị, xã hội, học thuật tư tưởng, phong tục tập quán… trong dòng chảy hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, bắt đầu từ khi xuất hiện giống người Việt cổ, trải qua thời kỳ nội thuộc và tiếp nhận văn hóa Trung Hoa một cách sâu rộng cho tới giai đoạn du nhập văn hóa Tây phương. “Việt Nam văn hóa sử cương” bao gồm 32 đề mục, được xếp thành 5 thiên, với 3 thiên trọng tâm lần lượt khảo qua các chủ điểm: Kinh tế sinh hoạt, Xã hội và Chính trị sinh hoạt, Tri thức sinh hoạt.
Nét mới trong cuốn sách xuất bản lần này là bổ sung phần “Sách dẫn” để độc giả tiện tra cứu nhân danh, địa danh và một số mục từ quan trọng được đề cập trong nội dung. Đối với những từ ít quen thuộc với hiện nay, những chi tiết nghi ngờ có sai sót, không nhất quán với các bộ chính sử hoặc cần làm rõ thêm do có những phát hiện mới trong ngành sử học, đội ngũ biên tập thêm các chú thích ở cuối trang, cùng với các chú thích sẵn có của tác giả. Ngoài ra, ấn bản lần này còn được bổ sung 108 minh họa sưu tầm từ các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa.
Trong cuốn “Nhà văn hiện đại” (NXB Vĩnh Thịnh, năm 1951), nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nhận định “Việt Nam văn hóa sử cương” là “một quyển viết có phương pháp, lời văn lại sáng suốt, rõ ràng”. GS Phan Huy Lê, một trong những học trò của học giả Đào Duy Anh, đánh giá tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” cùng với tác phẩm “Văn minh An Nam” (La Civilization Annamite, năm 1944) của Nguyễn Văn Huyên là hai công trình nghiên cứu khoa học đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam trên tinh thần khoa học và dân tộc.
Tại buổi tọa đàm ra mắt ấn bản “Việt Nam văn hóa sử cương” vừa được Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A tổ chức tại Hà Nội, TS Vũ Đức Liêm (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận xét, kể từ khi ra đời đến nay, tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” luôn là nguồn tư liệu bổ ích hàng đầu cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Học giả Đào Duy Anh đã rất khiêm nhường khi coi cuốn sách chỉ là thu thập tài liệu và sắp xếp thành hệ thống cho những ai muốn “ôn lại cái vốn văn hóa nước nhà”.
Ý kiến ()