Ổn định nền nếp ngay từ đầu năm học
– Sau 3 tháng nghỉ hè, giờ đây, hơn 200.000 học sinh tại 670 trường học trên địa bàn tỉnh đã trở lại trường học. Ghi nhận sau hơn 2 tuần học tập, các nhà trường và học sinh đã ổn định nền nếp, đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc dạy và học.
Giờ học tại Trường Tiểu học xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định những ngày đầu năm học 2023 – 2024
Năm học này là năm tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các lớp 1, 2, 3, lớp 6, 7, lớp 10 và triển khai với lớp 4, lớp 8, lớp 11. Bởi vậy, bên cạnh việc ổn định nền nếp học sinh, nền nếp lớp học, tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích tinh thần học tập của học sinh, giáo viên các nhà trường đã nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, chuẩn bị tốt nội dung giảng dạy. |
Để đảm bảo năm học mới 2023 – 2024 diễn ra đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ, trước thềm năm học mới Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã hướng dẫn các nhà trường triển khai hoạt động đầu năm. Đối với hoạt động chuyên môn, sở đã chỉ đạo các trường sớm ổn định kỷ cương, nền nếp và nghiêm túc triển khai các hoạt động giáo dục chính khóa, ngoại khóa phù hợp với điều kiện của từng trường và theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học 2023 – 2024 của Bộ GD&ĐT, các trường học trên địa bàn tỉnh đều tổ chức tựu trường sớm trước khai giảng 1 tuần; riêng lớp 1 tựu trường sớm trước 2 tuần. Thời gian này, để học sinh làm quen với lớp, với trường, để giáo viên tổ chức biên chế lớp học, kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập; phổ biến nội quy trường, lớp; rèn luyện thói quen và một số kỹ năng cần thiết; hướng dẫn cách học, chuẩn bị bài; củng cố kiến thức trước khi bước vào năm học mới… Riêng học sinh lớp 1 đầu cấp, mới chuyển đổi môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học là sự thay đổi rất lớn nên các trường đều dành thời gian để trẻ làm quen, thích ứng với nền nếp học tập, thầy cô, bạn bè.
Cô Triệu Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định cho biết: Năm học 2023 – 2024, trường đón 43 học sinh khối lớp 1 đầu cấp. Nhà trường đã thông tin cho phụ huynh để các em tập trung tựu trường và tham gia học tập sớm 2 tuần trước khai giảng để các em làm quen với thầy cô, bạn bè; ổn định chỗ ngồi, chia tổ, nhóm và các nền nếp học tập, sinh hoạt tại trường. Nhờ đó, sau khai giảng, bước vào tuần học chính thức, các em đã hình thành nền nếp, bước đầu có thói quen chuẩn bị đồ dùng học tập; có kỹ năng cơ bản về cầm bút viết, tư thế ngồi học…
Trong tuần học đầu tiên khi tựu trường, đối với học sinh đầu cấp, các nhà trường đều tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống, chương trình giáo dục… giúp học sinh nhanh chóng hòa nhập vào môi trường học tập mới. Sau khi tựu trường, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều “chốt” thời điểm bắt đầu học lỳ I từ ngày 6/9 (sau lễ khai giảng).
Có mặt tại Trường THCS Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn trong buổi sáng thứ 2 đầu tuần (11/9) của năm học mới 2023 – 2024, chúng tôi thấy được không khí, tinh thần học tập của học sinh đã được đảm bảo. Đúng 7 giờ 10 phút, buổi sinh hoạt dưới cờ được bắt đầu, hơn 800 học sinh, giáo viên nghiêm túc tham dự. Sau lễ khai giảng thì đây là buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tiên của năm học, vì thế Ban giám hiệu nhà trường đã phổ biến lại một số quy định, nguyên tắc của nhà trường; sắp xếp lại lịch trực lao động cho các lớp và phát động học sinh thi đua học tập tốt.
Tương tự, tại Trường THPT Đồng Bành, huyện Chi Lăng, bước sang năm học mới 2023 – 2024, trường có hơn 620 học sinh, trong đó học sinh khối 10 là 213 em. Thầy Nguyễn Sỹ Đông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch các chương trình giáo dục, xây dựng chủ đề dạy học đến toàn thể cán bộ, giáo viên; yêu cầu các tổ, nhóm chuyên môn chủ động rà soát, phân phối chương trình, xây dựng khung chương trình phù hợp với đặc điểm nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đến thời điểm hiện tại, các môn học đã đảm bảo thực hiện giảng dạy theo tiến độ đề ra. Tỷ lệ chuyên cần của học sinh đảm bảo 100%.
Sau hơn 2 tuần chính thức bước vào năm học mới, nhờ sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên nhìn chung tình hình học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp. Một số trường đã bắt đầu tổ chức hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống song hành cùng việc dạy văn hóa. Em Lục Khánh Linh, lớp 10 A10 Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Sau lễ khai giảng, chúng em đã được nhà trường tổ chức tham gia “Tuần sinh hoạt công dân” tìm hiểu về truyền thống nhà trường và được nghe phổ biến các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Tiếp đó, được tham gia hoạt động sáng tạo video về nội dung “Welcome to Việt Bắc, K76” để giúp hoc sinh đầu khóa chúng em hòa nhập môi trường học tập mới.
Năm học này là năm tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các lớp 1, 2, 3, lớp 6, 7, lớp 10 và triển khai với lớp 4, lớp 8, lớp 11. Bởi vậy, bên cạnh việc ổn định nền nếp học sinh, nền nếp lớp học, tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích tinh thần học tập của học sinh, giáo viên các nhà trường đã nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, chuẩn bị tốt nội dung giảng dạy. Với nhiều phương pháp sáng tạo, giáo viên các nhà trường đã khiến những buổi học đầu năm trở nên nhẹ nhàng nhưng không kém phần hiệu quả.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngay từ đầu năm học, sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, phổ thông vào giáo dục thường xuyên. Cùng đó, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành đặc biệt là phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; đồng thời tăng cường công tác truyền thông giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy học, quản lý giáo dục… Việc đảm bảo nền nếp học tập ngay từ đầu năm học, sẽ giúp các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh hoàn thành những mục tiêu mà ngành đề ra trong năm học mới này, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Bước vào năm học mới, ghi nhận của ngành ở các trường hiện nay đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập; khai thác, sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ, sổ sách, đánh giá học sinh. Đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh…. Qua đó, tạo tiền đề cho năm học 2023 – 2024 đảm bảo chất lượng giáo dục đề ra.
Ý kiến ()