tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://www.nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2041/113a28a11a140e5dbd5bb99876982783_L.jpg” border=”0″ alt=”Mưa trái mùa và sương muối làm cho năng suất các vườn điều giảm mạnh.” /> Hiện nông dân ở tỉnh Ðác Nông đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch điều niên vụ 2012-2013. Tuy nhiên, khác với trước, năm nay do năng suất điều giảm mạnh, mỗi ha thu về chỉ được vài tạ hạt, khiến hàng nghìn hộ trồng điều lâm vào hoàn cảnh khó khăn, điêu đứng, thậm chí nhiều nông dân còn chặt bỏ vườn điều chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày khác.
Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Ðác Nông, đến thời điểm cuối tháng 3-2013, toàn tỉnh có 18.500 ha điều, tập trung chủ yếu ở các huyện Ðác R’lấp, Krông Nô, Ðác Glong, Ðác Mil, Ðác Song, Tuy Ðức và thị xã Gia Nghĩa. Qua khảo sát thực tế tại các vùng trọng điểm trồng điều của tỉnh như huyện Ðác R’lấp, Ðác Mil, Tuy Ðức… cho thấy đến nay nông dân thu hoạch điều niên vụ 2012-2013 gần xong nhưng năng suất chỉ đạt bảy đến tám tạ/ha, giảm một nửa so với năm trước và ước sản lượng điều toàn tỉnh năm nay chỉ đạt 14.600 tấn.
Chúng tôi về xã vùng sâu Quảng Tín, huyện Ðác R’lấp, địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất tỉnh Ðác Nông với gần 1.500 ha. Khác với những năm trước đây khi cây điều được mùa, được giá, không khí thu hoạch, mua bán diễn ra tấp nập, nhộn nhịp cả một vùng quê. Nhiều nông dân chỉ qua vài vụ trồng điều đã phất lên nhanh chóng, xây dựng được nhà kiên cố, khang trang, mua sắm được đầy đủ phương tiện sinh hoạt trong gia đình… Còn năm nay, do năng suất điều giảm mạnh cho nên mặc dù vụ thu hoạch gần xong, nhưng không khí thu hái, mua bán vẫn trầm lắng, thậm chí nhiều gia đình thu hoạch xong không đủ để trả nợ nần và lâm vào cảnh khốn khó. Không những thế, hiện có nhiều vườn điều đang bị khô cành, rụng lá, chết rải rác, đẩy nhiều nông dân lâm vào cảnh trắng tay. Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Chí Linh, một trong những hộ trồng điều ở xã Quảng Tín bị thua lỗ nặng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Linh buồn rầu nói: “Gia đình trồng được 2,5 ha điều đang trong thời kỳ kinh doanh, những năm được mùa tôi thu được từ năm đến sáu tấn hạt, còn năm nay chỉ được khoảng 1,5 tấn. Với giá hiện nay từ 16 nghìn đến 19 nghìn đồng/kg thì số điều thu được không đủ trả nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc trong năm vừa qua. Trong khi đó, cây điều là nguồn thu nhập chính của gia đình cho nên chưa biết xoay xở thế nào, lấy gì để trả nợ đây”. Theo anh Linh, trong tình hình hiện nay, gia đình anh cũng như những hộ trồng điều ở địa phương đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, không biết có nên đầu tư cho cây điều nữa không. Nếu tiếp tục đầu tư nhưng đến vụ thu hoạch năm sau điều lại mất mùa thì chỉ có bán nhà để trả nợ, còn nếu chặt bỏ trồng cà-phê, hồ tiêu thì phải mất ba năm nữa mới cho thu hoạch, lúc đó giá cà-phê, hồ tiêu không biết có được như bây giờ hay không?
Chủ tịch UBND xã Quảng Tín Phan Thành Ðạt cho biết: Ðiều là cây trồng chủ lực của nông dân trong xã nhiều năm qua, bởi cây điều dễ trồng, cần ít vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc không phức tạp lắm, phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích cây điều trong xã đã già cỗi, năng suất giảm mạnh dần qua các năm, từ trên hai tấn, xuống một tấn và hiện chỉ đạt khoảng vài tạ một héc-ta. Ðặc biệt ở đây, trong thời điểm cây điều trổ bông thường gặp những cơn mưa trái mùa và những đợt sương muối khiến bông điều khô héo, rơi rụng làm giảm năng suất.
Không riêng gì xã Quảng Tín mà qua tìm hiểu thực tế tại các huyện Ðác Mil, Ðác Song và Tuy Ðức, năng suất điều năm nay đều giảm mạnh, mỗi ha thu về chỉ được vài tạ hạt, chưa đủ trả tiền phân bón, thuốc sâu, công chăm sóc… đẩy người trồng điều lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nợ nần. Nhiều người dự định sẽ chặt bỏ vườn điều chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác mang lại hiệu quả cao hơn.
Trước thực trạng nói trên, Sở NN-PTNT tỉnh Ðác Nông khuyến cáo: Sở đã xây dựng đề án chuyển đổi diện tích cây điều kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đang trong quá trình thử nghiệm cho nên bà con nông dân không nên ồ ạt chặt bỏ diện tích cây điều. Bởi qua thực tế sản xuất cho thấy, cây điều có khả năng thích nghi rộng, yêu cầu kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch không phức tạp. Hơn nữa, ở những vùng đất bạc màu, thời tiết khắc nghiệt thì cây điều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác trên cùng chân đất và mức độ thâm canh. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo Trung tâm khuyến nông tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình trồng xen ca-cao trong vườn điều, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật trồng, chăm sóc, tạo tán và hướng dẫn người dân dần thay thế các giống điều có năng suất thấp bằng những giống điều ghép có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh… nhằm giữ ổn định diện tích và năng suất cây điều trên địa bàn tỉnh, giúp nông dân sống được và sống khá nhờ trồng điều.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()