Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI thì nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 7 có mức tăng giá cao nhất, với mức tăng 2,12%, trong đó nhóm thực phẩm tăng tới 3,32%, cao hơn mức tăng 2,47% của tháng 6.
Đáng chú ý, giá thịt lợn tăng 6,98%, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung bị thiếu hụt vì dịch lở mồm, long móng kéo dài trong mấy tháng qua, chi phí chăn nuôi tăng cao. Không chỉ có giá thịt lợn, giá thịt gia cầm cũng tăng 3,41% do giá thức ăn chăn nuôi, chi phí vận chuyển tăng. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng cũng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu dùng rau quả, thủy, hải sản tươi sống, khiến các mặt hàng này tăng giá mạnh. Chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong rổ hàng hóa tính CPI, giá thực phẩm tăng mạnh là nguyên nhân chính đẩy CPI nói chung của tháng 7 tăng. Vì vậy, để kiềm chế tốc độ tăng CPI, trước mắt, cần nhanh chóng ổn định nguồn cung thực phẩm nhằm “hạ nhiệt” giá mặt hàng này. Giá thức ăn chăn nuôi, lãi suất vay vốn ngân hàng tăng cao, tâm lý lo sợ dịch bệnh… đang là những lý do làm người dân không mạnh dạn tái đàn, mở rộng chăn nuôi. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi khôi phục sản xuất, phát triển đàn gia súc, gia cầm, nhanh chóng tăng nguồn cung cho thị trường, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Đồng thời, có biện pháp quyết liệt ngăn chặn, xử lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Từ tình hình biến động giá cả mặt hàng thực phẩm trong tháng 7 do nguồn cung bị sụt giảm, có thể thấy, việc ổn định cung – cầu hàng hóa là một trong những biện pháp quan trọng ngăn chặn tình trạng tăng đột biến về giá các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Cho nên, cần theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để có biện pháp điều tiết hợp lý, kịp thời bình ổn thị trường, không để thiếu hàng, “sốt” giá. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý giá trên địa bàn.
Với mức tăng CPI cao trong tháng 7 thì CPI bảy tháng đầu năm đã tăng tới 14,61%, trong khi mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm nay mà Chính phủ đưa ra là từ 15% đến 17%. Những tháng còn lại của năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường, tạo áp lực tăng giá. Chính vì vậy, cần tiếp tục kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát bằng việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Ý kiến ()