Olympic Rio 2016: Những mốc son của TTVN
Đoàn TTVN đã kết thúc chương trình thi đấu tại Thế vận hội vào tối 18/8 (giờ Hà Nội). Nhìn lại chặng đường sau 12 ngày tranh tài ở Rio (kể từ 6/8), người hâm mộ trong nước không khỏi tự hào vì Quốc ca Việt Nam lần đầu tiên đã vang lên tại đấu trường Olympic.
Tham gia Thế vận hội Rio 2016, TTVN giành được 23 suất tham dự trực tiếp là một trong những dấu ấn mới, khi các VĐV bằng khổ luyện và tài năng vượt qua thời kỳ “vé mời”.
Trong số 23 VĐV giành quyền đến Rio, “phái yếu” cũng đã lập được 1 “kỷ lục” đẹp khi có tới 13 VĐV. Với 10 môn thi đấu (bắn súng, Judo, vật, cử tạ, đua thuyền, TDDC, đấu kiếm, cầu lông, bơi, điền kinh), chỉ duy nhất ĐT bắn súng là không có VĐV nữ.
Bước vào thi đấu, với quyết tâm cao độ, nhiều VĐV trong số 23 niềm hy vọng của TTVN đã giành được thành tích cao nhất hoặc giành được trận thắng đầu tiên tại một kỳ Thế vận hội.
Ngày 6/8, Quốc kỳ Việt Nam tung bay, Quốc ca Việt Nam hùng tráng ngân vang tại Rio 2016 khi Ban Tổ chức trang trọng trao tấm HCV cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người đồng thời lập kỷ lục Olympic nội dung 10 m súng ngắn hơi nam.
Đây là dấu son đầu tiên của TTVN không chỉ ở Rio 2016 mà còn là dấu ấn lịch sử kể từ Olympic 1980.
Ngày 7/8, nữ kình ngư số 1 Việt Nam Ánh Viên thi đấu nội dung sở trường 400 m hỗn hợp và về đích với thời gian 4 phút 36 giây 85. Mặc dù không vượt qua vòng loại nhưng Ánh Viên đã phá sâu kỷ lục SEA Games 28 năm 2015 tại Singapore của chính mình (4 phút 42 giây 88).
Kiếm thủ Đỗ Thị Anh (phải) và VĐV người Hy Lạp Kontochristopoulou |
Ngày 10/8, nữ VĐV kiếm liễu Đỗ Thị Anh (năm nay 20 tuổi) đã “hạ” nữ kiếm thủ Hy Lạp Kontochristopoulou với tỉ số 15-13. Chiến thắng này là chiến thắng đầu tiên của ĐT đấu kiếm Việt Nam ở một kỳ Olympic.
Cùng ngày 10/8, Vũ Thành An, VĐV cuối cùng của ĐT đấu kiếm Việt Nam thi đấu nội dung kiếm chém.
Được đặc cách ở vòng 1/32, Thành An thi đấu ngay trận vòng 1/16, gặp VĐV người Italy Diego Occhiuzzi, đương kim Á quân Olympic, vô địch kiếm chém thế giới 2015. Kết quả, Thành An đã giành thắng lợi với tỉ số 12-15. Đây là chiến thắng thứ 2 và cũng là chiến thắng đáng nhớ của ĐT đấu kiếm Việt Nam tại Rio 2016.
Cũng trong ngày 10/8, nữ võ sĩ Judo người Sóc Trăng Văn Ngọc Tú, người từng 5 lần vô địch SEA Games, thi đấu trận đầu tiên với mong ước giành 1 trận thắng tại Olympic, điều mà đàn chị Cao Ngọc Phương Trinh tại Olympic Atlanta 1994 và chính Ngọc Tú chưa làm được ở Olympic 2012.
Dù không được HLV hỗ trợ trong thi đấu nhưng Văn Ngọc Tú đã hiện thực hóa được giấc mơ của mình khi thắng nhà cựu Á quân châu Âu Moscatt Valentin (Italy) đang xếp hạng 26 thế giới, ngay ở vòng 1.
Nữ võ sĩ Judo Văn Ngọc Tú |
Vào lúc 22h ngày 10/8 (giờ Hà Nội), tin vui lại đến với Đoàn TTVN khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành thêm 1 HCB ở nội dung 50 m súng ngắn nam. Điều thú vị là cũng ở nội dung này, tại London 2012, xạ thủ Đoàn Quân đội về đích… thứ 4 vì chỉ kém thành tích HCĐ đúng 0,1 điểm.
Tiếp đó, ngày 13/8, VĐV cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã giành được 2 chiến thắng liên tiếp ở vòng bảng.
Trong trận ra quân, khác với 2 kỳ Olympic trước đây (2008 và 2012), Nguyễn Tiến Minh đã hạ tay vợt người Nga Vladimir Malkov với tỉ số 2-1 sau khi thua sét đầu tiên.
Ở trận thứ 2, gặp VĐV người Áo David Obernosterer, sau 49 phút tranh tài, Tiến Minh cũng đã giành thắng lợi với tỉ số 2-0 (21-18, 21-14). Như vậy, tay vợt nam số 1 Việt Nam đã giành 2 trận thắng ở Olympic sau 3 kỳ tham dự.
Sau đó, vào rạng sáng 14/8 (giờ Việt Nam), Vũ Thị Trang, tay vợt nữ số 1 Việt Nam cũng giành được chiến thắng đầu tiên tại Olympic khi đánh bại nữ VĐV người Indonesia Lindaweni Fanetri với tỉ số 2-0.
Đây cũng là chiến thắng cuối cùng của các VĐV Việt Nam ở Rio.
Khép lại chương trình thi đấu ở Thế vận hội 2016 với 1 HCV, 1 HCB, thành tích cao nhất mà các VĐV đạt được, người hâm mộ kỳ vọng đó sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ, khích lệ TTVN bứt phá mà trước mắt là ở kỳ Đại hội Thể thao châu Á-ASIAD 2018.
Kể từ sau ngày đất nước thống nhất, Thế vận hội đầu tiên mà TTVN tham dự là Olympic Moscow 1980 với 31 VĐV. Sau đó, kể từ năm 1988, Việt Nam tham gia đầy đủ các kỳ Olympic Seoul (Hàn Quốc) 1988 với 10 VĐV; Barcelona (Tây Ban Nha) 1992 với 7 VĐV; Atlanta (Mỹ) 1996 với 6 VĐV; Sydney (Australia) 2000 với 7 VĐV; Athens (Hy Lạp) 2004 với 11 VĐV; Bắc Kinh (Trung Quốc) 2008 với 21 VĐV; London (Anh) 2012 với 18 VĐV và Rio de Janiero (Brazil) 2016 với 23 VĐV. Tranh tài ở “đấu trường” thể thao lớn nhất thế giới khi đất nước còn khó khăn nhưng các VĐV Việt Nam không ngừng rèn luyện để rồi tại kỳ Olympic Sydney 2000, võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân (người Phú Yên) đã giành được huy chương Thế vận hội đầu tiên cho TTVN khi đoạt ngôi Á quân trong trận chung kết hạng dưới 57 kg nữ với võ sĩ Jung Jae Eun người Hàn Quốc vào ngày 29/9/2000. Bốn năm sau, tại Olympic Bắc Kinh 2008, thêm một thành tích mơ ước thành hiện thực khi lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (gốc Bắc Ninh) giành HCB cử tạ nam hạng 56 kg. Tám năm sau, ở Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập “cú đúp” khi giành HCV đồng thời lập kỷ lục Olympic nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Xạ thủ này cũng giành thêm 1 HCB nội dung 50 m súng ngắn nam. |
Ý kiến ()