OECD thông qua mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%
Tiếp nối thỏa thuận đạt được của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), 130 nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã nhất trí về quy định áp thuế doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15%. Với việc “đoàn tàu cuối cùng đã rời ga”, tiến trình cải cách thuế toàn cầu đang dần hướng tới sự công bằng về thuế doanh nghiệp.
Thỏa thuận của OECD sẽ góp phần tạo bình đẳng về thuế doanh nghiệp giữa các nước, chấm dứt tình trạng trốn thuế, nhất là của các công ty đa quốc gia có doanh thu cao như các “đại gia” công nghệ. Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann (M.Cô-man) ca ngợi thỏa thuận đạt được sau những nỗ lực đàm phán kéo dài nhiều năm qua; cho biết, thỏa thuận này sẽ đem lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển.
Thỏa thuận của OECD bao gồm hai phần. Phần một quy định áp mức thuế tối thiểu 15% với các doanh nghiệp có doanh thu hơn 750 triệu euro. Theo đó, nếu một tập đoàn và các công ty con nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu thì sẽ phải nộp khoản chênh lệch so mức tối thiểu tại nước đặt trụ sở. Bởi vậy, việc chuyển lợi nhuận sang các nước khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu sẽ không còn hấp dẫn với các tập đoàn nữa.
Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế tại nước đặt trụ sở. Do đó, phần hai của thỏa thuận nhằm bảo đảm phân phối lợi nhuận và quyền thu thuế công bằng hơn giữa các nước với các tập đoàn đa quốc gia, bao gồm cả các công ty công nghệ. Theo đó, việc thu thuế sẽ được thực hiện tại cả nơi doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh và tạo ra doanh thu. Với quy định này, Tập đoàn Volkswagen của Đức sẽ phải đóng thuế nhiều hơn ở các nước nơi hãng này sản xuất, lắp ráp ô-tô. Các tập đoàn công nghệ như Apple hay Google sẽ phải đóng thuế nhiều hơn ở các nước châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) nhận định, thỏa thuận của OECD là bước tiến mạnh mẽ hướng tới sự công bằng về thuế doanh nghiệp; nhấn mạnh, nhiệm vụ hiện tại là thúc đẩy triển khai những cam kết đạt được. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva (C.Gioóc-giê-va) hoan nghênh thỏa thuận đạt được; song cho rằng, các bên tham gia thỏa thuận cần thực hiện bước tiếp theo là thuyết phục các nước khác sớm tham gia vào tiến trình này.
Sự đồng thuận của OECD sẽ mở đường cho Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thảo luận về thỏa thuận này tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 sắp tới tại Italia (I-ta-li-a). Bộ trưởng Tài chính Italia Daniele Franco (Đ.Phran-cô) tin tưởng rằng, thỏa thuận này sẽ được thông qua, bởi tất cả các nước G20 trong OECD đều đã chấp thuận cải cách quan trọng này. Thỏa thuận được triển khai sẽ thúc đẩy thống nhất về cải cách thuế trên phạm vi toàn cầu, tạo ra một sân chơi vững chắc hơn, mang lại hiệu quả cao hơn cho các quốc gia.
Ý kiến ()