OECD nâng mức dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2021
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) công bố ngày 31/5 dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 là 5,8%.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, tổ chức này vẫn cảnh báo “các thách thức vẫn còn đó” do vaccine ngừa COVID-19 vẫn chưa tiếp cận được tới các nền kinh tế mới nổi, đồng thời xuất hiện các biển thể mới của loại virus này.
Mức tăng trưởng này là dấu hiệu hồi phục sau khi thế giới phải hứng chịu một cuộc suy thoái kinh tế lớn trên toàn cầu năm ngoái do các chính phủ phải đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại nhằm phòng chống đại dịch COVID-19.
Giám đốc OECD – bà Laurence Boone nhận xét trong báo cáo: “Cuối cùng thì chúng ta có thể thấy triển vọng kinh tế sáng sủa hơn, nhưng vấn đề là quá trình phục hồi kinh tế đang xảy ra không đồng đều”.
OECD dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm nay, cao hơn 0,4% so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, OECD hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm 2022 từ mức 4% xuống còn 3,6%.
Đối với Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), OECD dự báo nền kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng lần lượt 4,3% và 4,4% trong năm nay và năm 2022, cao hơn mức dự báo 3,9% và 3,8% đưa ra hồi tháng Ba.
Trong khi đó, kinh tế Anh được dự báo sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022.
OECD dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng lần lượt 8,5% và 5,8% trong năm nay và năm 2022, cao hơn mức 7,8% và 4,9% trong dựa báo hồi tháng Ba.
Đối với kinh tế Nhật Bản, OECD hạ dự báo tăng trưởng năm nay từ mức 2,7% xuống còn 2,6%, song tăng mức dự báo tăng trưởng năm 2022 lên 2%, cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó.
Tổ chức OECD, gồm 38 quốc gia chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, hoan nghênh phản ứng nhanh chóng của các chính phủ trong việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
“Trong lịch sử, chưa từng có một cuộc khủng hoảng nào lại nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả đến vậy. Sự hỗ trợ này gồm chính sách về y tế, tốc độ phát triển vaccine, chính sách tiền tệ, tài khóa cao tới mức kỷ lục”, bà Boone nói và cảnh báo rằng “các thách thức vẫn còn đó”.
Bà Boone cho biết, thách thức lớn nhất là không có đủ vaccine để cung cấp cho các nền kinh tế mới nổi hoặc các nền kinh tế kém phát triển và điều này “rất đáng lo ngại”.
“Chừng nào mà phần lớn dân số toàn cầu vẫn chưa được tiêm chủng, tất cả chúng ta vẫn dễ bị tổn thương bởi sự xuất hiện của các biến thể mới”, bà Boone nhấn mạnh.
Bà cũng cho rằng các đợt đóng cửa mới sẽ làm tổn hại đến niềm tin kinh doanh trong khi các công ty đang phải gánh nhiều nợ hơn trước đại dịch, có thể phá sản.
Một rủi ro khác đối với GDP toàn cầu là cách các thị trường tài chính có thể phản ứng khi xuất hiện những lo ngại về lạm phát, OECD cho biết.
Ý kiến ()