Ở Trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu cả nước
Năm 2013, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) triển khai, thực hiện hơn 430 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiều công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín... Tuy nhiên, để có những kết quả khoa học và công nghệ (KH và CN) có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội và xứng đáng là trung tâm KH và CN hàng đầu của cả nước, đội ngũ cán bộ khoa học ở đây cần thật sự nỗ lực, chuyên tâm nhiều hơn nữa...
Đến cuối năm 2013, Viện HLKH và CNVN có 34 viện, trung tâm nghiên cứu và hơn 10 cơ sở hành chính sự nghiệp trực thuộc; đội ngũ cán bộ, viên chức với hơn bốn nghìn người, trong đó có 44 giáo sư, hơn 160 phó giáo sư, 741 Tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, hơn 780 thạc sĩ… Viện HLKH và CNVN quả là một trung tâm KH và CN có lực lượng hùng hậu nhất cả nước. Kể cả chuyển tiếp và mở mới, năm 2013, đội ngũ các nhà khoa học của Viện triển khai, thực hiện hơn 430 đề tài, dự án KH và CN các cấp. Đáng chú ý, trong đó hơn 100 đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình Tây Nguyên 3, chương trình KH và CN vũ trụ; nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước… Chỉ riêng nhóm đề tài, dự án KH và CN thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (K.C) giai đoạn 2011 -2015, đến nay, Viện HLKH và CNVN được giao chủ trì 26 đề tài, dự án với tổng kinh phí là hơn 133 tỷ đồng. Các đề tài, dự án do Viện HLKH và CNVN chủ trì thực hiện đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như tính cấp thiết cao. Khá nhiều nội dung nghiên cứu về công nghệ sinh học, về biển đảo, địa chất, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai… đã và đang được ứng dụng có hiệu quả cho việc phát triển các chuyên ngành khoa học, cho thực tế sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; phục vụ thiết thực phát triển kinh tế – xã hội.
Năm năm trở lại đây, Viện HLKH và CNVN đã được phê duyệt 360 đề tài nghiên cứu cơ bản từ Quỹ Phát triển KH và CN quốc gia (NAFOSTED). Số đề tài này tập trung trong các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, khoa học thông tin và máy tính, khoa học sự sống, khoa học về trái đất. Sự hồ hởi là tâm lý chung của các nhà khoa học khi đón nhận các đề tài NAFOSTED, bởi đây là cơ hội và điều kiện giúp họ gia tăng thêm các công bố quốc tế. Riêng năm 2013 vừa qua, theo thống kê chưa đầy đủ, Viện HLKH và CNVN xuất bản được gần 2.300 bài báo khoa học (tăng 36% so với năm trước), trong đó có 660 báo cáo được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, đạt tiêu chuẩn ISI.Một số cơ sở nghiên cứu có số công trình khoa học được công bố nhiều trên các tạp chí quốc tế là Viện Khoa học vật liệu, Viện Sinh vật và tài nguyên sinh vật, Viện Vật lý, Viện Toán học…
Cùng với nghiên cứu cơ bản, mấy năm gần đây, Viện HLKH và CNVN cũng rất coi trọng nghiên cứu ứng dụng, nhất là đi thẳng vào các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Sự kiện gây tiếng vang không chỉ trong nước mà cả quốc tế là việc chúng ta hợp tác với Pháp nghiên cứu, chế tạo và phóng vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam (VNREDSat-1) lên vũ trụ vào ngày 7-5-2013. Sau ba tháng thử nghiệm, hiệu chỉnh trên quỹ đạo không gian ở độ cao hơn 650 km, phía Pháp đã bàn giao toàn bộ hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 cho Việt Nam quản lý, vận hành khai thác. Đến nay, gần bốn tháng sau bàn giao, vệ tinhVNREDSat-1 hoạt động ổn định trên quỹ đạo và đã chụp được hơn 19.500 cảnh ảnh (gồm ảnh đa phổ và ảnh toàn sắc). Trong đó, vùng lãnh thổ Việt Nam, VNREDSat-1 đã chụp và xử lý được hơn 4.500 cảnh ảnh. Theo chu kỳ, cứ sau ba ngày, vệ tinh VNREDSat-1 lại chụp ảnh các khu vực khác nhau trên lãnh thổ nước ta và truyền về mặt đất để xử lý. Các sản phẩm ảnh chụp từ vệ tinh VNREDSat-1 đã được Viện Công nghệ vũ trụ (Viện HLKH và CNVN) phối hợp Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cung ứng cho các ngành và địa phương có nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Một sự kiện cũng được đánh giá cao là việc một nhóm cán bộ khoa học trẻ, thuộc Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã nghiên cứu, chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon. Nhờ sự giúp đỡ của Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản vệ tinh PicoDragon đã được phóng lên quỹ đạo không gian. Sau khi được đẩy ra khoảng không vũ trụ bốn giờ, các trạm mặt đất ở Nhật Bản, Ác-hen-ti-na và tại Viện HLKH và CNVN đã nhận được tín hiệu phát ra từ PicoDragon Việt Nam. Việc phóng thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon thể hiện sự đam mê và sáng tạo của các cán bộ khoa học trẻ đánh dấu một chặng đường mới trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hai năm (2012 -2013), Viện Vật lý địa cầu thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu tác động địa chấn kiến tạo đến sự ổn định công trình thủy điện Sông Tranh 2, khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam”. Theo đó, đã chọn địa điểm và xây dựng 10 trạm quan sát động đất chung quanh khu vực này, nhằm phục vụ kịp thời và hiệu quả công tác báo tin động đất cho người dân khu vực có công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Tuy nhiên, đánh giá một cách nghiêm túc năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ nghiên cứu Viện HLKH và CNVN vẫn còn không ít hạn chế. Thực tế nơi đây có một nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu cả nước nhưng vẫn hiếm có những kết quả nghiên cứu KH và CN có tác động ảnh hưởng, lan tỏa đến đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2013, số lượng các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế tuy có tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng hùng hậu của đơn vị. Việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học còn khó khăn, một phần do thiếu tính chủ động và chuyên tâm của một bộ phận nhà khoa học; thậm chí có hiện tượng cán bộ có chức danh khoa học, đăng ký đề tài, nhận kinh phí đầu tư nhưng lại “nợ” hoàn thành công trình nghiên cứu từ một năm đến bốn năm…
Hy vọng với quy hoạch tổng thể phát triển Viện HLKH và CNVN đến năm 2020 và định hướng đến 2030, mà trực tiếp là đề án thành lập 11 trung tâm tiên tiến giai đoạn 2013 – 2016 trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và các chuyên ngành có thế mạnh, Viện HLKH và CNVN sẽ có những “đột phá” lớn trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Theo nhandan
Ý kiến ()