Ở Phú Quốc, khi đảng viên đi trước
Phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên trong vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, đảo là một việc làm đạt hiệu quả rõ nét của các cấp ủy đảng huyện Phú Quốc (Kiên Giang) thời gian qua.
Ở ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, cứ bốn hộ dân thì có một gia đình làm nghề nuôi ốc hương và cá lồng bè. Hộ anh Trần Văn Tuấn nuôi 10 nghìn con, một năm hai vụ, mỗi kg bán được từ 200 nghìn đến 250 nghìn đồng, anh thu lãi vài trăm triệu đồng. Anh Tuấn cho biết: Trước đây, bà con chủ yếu nuôi tự phát, cho nên trong quá trình nuôi thường phát sinh dịch bệnh, ốc chết hàng loạt, có khi mất trắng. Nhưng nay thì ai nấy rất yên tâm bởi được bác Sáu Khâu hướng dẫn cách nuôi an toàn, hiệu quả. Nhiều hộ còn đầu tư thêm chuồng, thả thêm ốc giống.
Bà con làng chài ở đây cho biết, bác Sáu Khâu tên đầy đủ là Nguyễn Văn Khâu, năm nay 73 tuổi, là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ nuôi ốc hương ấp Cây Sao luôn canh cánh với câu hỏi làm thế nào để “biển bạc” thành tiền. Sự lúng túng của mấy gia đình nuôi ốc hương khi thấy ốc bị bệnh, chết hàng loạt, là nội dung “nóng” trong các cuộc họp của chi bộ ấp. Chi bộ thống nhất giao đồng chí Khâu đi sưu tầm tài liệu kỹ thuật nuôi ốc hương. Nắm vững quy trình, bác Khâu về nhà quyết định đầu tư làm chuồng, chọn mua ốc giống, phổ biến với các thành viên trong gia đình cách nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho ốc hương. Mỗi khi ốc có biểu hiện lạ, bác liền đem lên thả vào chậu để nghiên cứu, tìm nguyên nhân xem có phải do ốc mắc bệnh đường ruột hay bị nấm, để có liệu pháp kháng sinh điều trị phù hợp. Nhờ đó, việc nuôi ốc hương của gia đình bác Khâu thuận lợi, cho thu nhập cao. Bác Khâu tìm gặp mọi người và cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ốc hương, giúp các gia đình yên tâm sản xuất. Từ dăm bảy gia đình nuôi ốc hương, đến nay, ấp Cây Sao đã thành lập được tổ nuôi ốc hương, gồm 52 thành viên, do bác Khâu làm Tổ trưởng.
Nuôi ốc hương thành công, bác Khâu tiếp tục cùng con cháu đào đầm nuôi cua biển. Tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình bác bán được gần 100 con, với giá hơn 220 nghìn đồng/kg.
Hỏi chuyện về đồng chí Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm Nguyễn Văn Nhưỡng nhiều người dân trên đảo đều biết khá kỹ. Anh Trịnh Văn Ðiển, làm nghề thu mua hải sản và cung cấp giống ốc hương, ở ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm kể: Thầy giáo Nguyễn Văn Nhưỡng quê tỉnh Thái Bình, ra đây năm 1982. Năm 1984, thầy làm Phó hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Cửa Dương. Thấy đất còn bỏ hoang hóa nhiều, với bản tính cần cù, chịu khó, cho nên ngoài giờ dạy học, thầy Nhưỡng thường cùng vợ tranh thủ trồng tiêu, nuôi bò,… Thấm thoắt, gia đình thầy đã có hàng trăm con bò, hàng nghìn nọc tiêu mang lại lợi nhuận cao. Sau khi nghỉ dạy, anh trở về với nghề nông, được đảng viên và nhân dân bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch HÐND xã, rồi làm Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm. Ðến nay, đồng chí Nhưỡng vẫn sâu sát cơ sở, gặp gỡ bà con để trao đổi kinh nghiệm làm ăn; mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn thủ tục vay vốn ngân hàng, giúp bà con phát triển nuôi trồng thủy, hải sản.
Tham quan nhiều mô hình làm kinh tế ở huyện Phú Quốc, chúng tôi thấy, mỗi nơi đều có cách làm riêng, song đều bắt đầu từ sự gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên.
Làm việc với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm, cho biết: Người dân của 3/4 ấp làm nghề đánh bắt hải sản cho nên Ðảng ủy xã thường xuyên chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách các chi bộ ấp. Các chi bộ thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt, giao ban với đảng viên và các hội, đoàn thể. Qua đó, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên trong vận động, hướng dẫn và giúp đỡ bà con cách làm ăn hiệu quả. Nhờ đó, Bãi Thơm là địa phương có nhiều mô hình kinh tế rất triển vọng của huyện. Không ít gia đình trước đây còn khó khăn, như hộ anh Ðào Văn Thống, Nguyễn Duy Long (ấp Bãi Thơm), Dương Văn Ân, Phù Văn Khên (ấp Ðá Chồng), v.v. nay đều là những gia đình có thu nhập cao từ trồng tiêu, nuôi lợn rừng, nuôi cá sấu, ốc hương, cua biển, cá lồng bè. Chi bộ ấp Cây Sao tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế biển bằng sự tiền phong gương mẫu của người đảng viên là một thí dụ điển hình.
Thực tế ở nhiều chi bộ của xã Hàm Ninh cũng như vậy. Cán bộ, đảng viên nắm chắc tình hình sản xuất, đời sống của bà con, kịp thời tham mưu giúp cấp ủy đề ra các biện pháp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo khí thế thi đua phát triển kinh tế, làm giàu từ biển, đảo trong các tầng lớp nhân dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Ðảng ủy xã Hàm Ninh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển, đảo. Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hằng năm, Ðảng ủy luôn chủ động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát huy dân chủ trong bàn bạc, thảo luận, thống nhất xây dựng, sửa đổi, bổ sung kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể, đưa ra những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả.
Cách trung tâm đảo Phú Quốc chừng 25 km về phía nam, thị trấn An Thới hiện lên với những con đường trải nhựa, những ngôi nhà khang trang, hiện đại. Trong năm 2012, thị trấn đón hơn 120 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. An Thới là điểm đến hấp dẫn bởi các chi bộ nơi đây thường xuyên chú trọng lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Thị trấn hiện có bảy tổ liên kết sản xuất, 18 câu lạc bộ và 43 tổ tiết kiệm vay vốn quay vòng, hơn 2.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Cùng Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn An Thới Trần Thị Thu Nở gặp mặt một số hội viên của Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp thị trấn An Thới, chúng tôi thêm thấy rõ hiệu quả đa dạng hình thức tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế gia đình. Câu lạc bộ hiện có 14 hội viên. Mấy năm nay, bên cạnh phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề truyền thống như nước mắm, chế biến hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ, các chủ doanh nghiệp còn khai thác kinh doanh dịch vụ, du lịch, như tắm biển, nghỉ dưỡng; tham quan thắng cảnh và các di tích văn hóa, lịch sử; sinh thái; thể thao, vui chơi giải trí, v.v. Năm qua, doanh nghiệp của chị Huỳnh Thị Thơm, chị Châu Ngọc Phụng,… không những tiếp tục đầu tư, nâng cấp, đóng mới tàu, thuyền du lịch, thu hút hàng trăm lao động, giúp hộ nghèo vươn lên, mà còn là những nhân tố tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ðể Phú Quốc xứng đáng là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế, Huyện ủy đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đề cao trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên rèn luyện phấn đấu trở thành công dân gương mẫu, ra sức làm giàu cho bản thân và gia đình, lôi cuốn, giúp đỡ nhân dân cùng làm giàu bằng kinh tế biển và dịch vụ, du lịch.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()