LSO-Vào những ngày cuối năm, khi mùa đông đang vào độ rét ngọt, chúng tôi có dịp trở lại miền biên viễn thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Lăng, huyện Đình Lập. Ngược quốc lộ 31 ngập tràn bụi đỏ, những ổ voi sống trâu gồ gề, ngạo ngễ như thách thức chúng tôi. Sau hơn hai giờ đồng hồ rong ruổi bám đầy bụi đường, ngoặt ra lối rẽ, Đồn Biên phòng mới hiện ra trước mắt chúng tôi.
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Lăng trên đường tuần tra |
Trong căn phòng nhỏ, trung tá Lục Văn Moong, chính trị viên Đồn chia sẻ: “Nhìn chung cán bộ, chiến sĩ biên phòng khi đã về đây nhận công tác đều phát huy tốt tinh thần trách nhiệm của mình trong thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Nơi đơn vị đóng quân và quản lý có cửa khẩu tiểu ngạch, chủ yếu bà con hai bên giao lưu thông thương qua lại thăm thân, hàng hóa xuất qua đây phần lớn là nhựa thông thôi. Cuộc sống vùng biên mà, đôi khi bình lặng thế, nhưng tiềm ẩn trong đó bao điều mới lạ và hiểm nguy, nếu không thường xuyên tuần tra, cảnh giác thì hậu quả khó lường lắm…“.
Rời căn phòng nhỏ, chúng tôi theo chân tổ tuần tra ra trạm, từng cơn gió giật mạnh quất ràn rạt làm cho cái lạnh chiều vùng biên càng thêm tê tái; từ nơi tiền tiêu phóng tầm mắt ra xung quanh, xa xa là những dải thông xanh rì đang tấu lên khúc nhạc chiều. Đó được gọi là vành đai xanh biên giới, dự án của cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện Đình Lập phối hợp với dân quân xã Bính Xá trồng cách đây đã 8 năm có lẻ. Chỉ còn khoảng 4 năm nữa thôi là những cánh rừng thông xanh tít tắp tận trời mây kia sẽ cho thu hoạch nhựa đem lại một khoản thu nhập không nhỏ cho lực lượng dân quân biên giới nơi đây. Và trong sâu thẳm hơn kia, những cánh rừng thông xanh ngút ngắt ấy, sẽ góp phần giữ đất cho quê hương. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình theo bước chân tuần tra của những người mang quân hàm xanh để lên cột mốc 1271. Mùa này, con đường tuần tra của họ chỉ có những vạt hoa lau trắng xóa, vặn mình trước những cơn gió mùa đông bắc rét buốt là thức cùng với bước chân tuần tra của họ. Ngoặt lên điểm cao theo con đường mòn tuần tra chung của hai nước, vượt khỏi con dốc sắp lên tới đỉnh đồi, Chiến sĩ Vi Văn Quang quê ở huyện Chi Lăng bộc bạch: “Vậy đấy anh à, nhiệm vụ của người chiến sĩ biên phòng chúng em không ở đâu là nhẹ nhàng cả. Đồn nào cũng có những khó khăn riêng, nhưng đóng quân ở đây khó khăn nhất là về đường đi. Anh lên mùa này, tuy có bụi và rét nhưng còn khô ráo đấy; gặp phải những hôm mưa phùn gió bấc còn vất vả hơn nhiều, vì đường trơn như đổ mỡ”. Được biết nhiều cán bộ, chiến sĩ khi đơn vị cho về tranh thủ thì ngại xuống núi, vì con đường ra chợ huyện bắt xe xa ngái, mùa mưa thì nhầy nhụa; mùa khô thì bụi bám vào quần áo đỏ khé. Vất vả là thế, nhưng khi đã đặt chân về đây nhận nhiệm vụ, ai cũng hết mình vì công việc của đảng và nhân dân giao phó. Vâng, quả là vất vả và nhiều khó khăn thiếu thốn, sau khi nghe lời của Quang xong tôi chợt thấy anh cất lên câu hát nhè nhẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn như để xua đi nỗi mệt nhọc đang đeo bám”…Ai cũng chọn việc nhè nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai cũng từng nghĩ về đời mình…“.
Vâng tuổi trẻ ai cũng có những hoài bão, ước mơ và khao khát phấn đấu để thắp lên cho cuộc sống sau này; con đường đi đến đích của cuộc sống có nhiều cách. Như chiến sĩ Quang và nhiều chiến sĩ khác của Đồn cũng vậy, lẽ ra tốt nghiệp mười hai xong anh có thể thi vào các trường đại học lắm chứ; nhưng anh đã chọn và đi theo con đường mà trái tim mình mách bảo. Là thế hệ trẻ thì phải có phận sự với Tổ quốc của mình, họ đang ngày đêm hi sinh thầm lặng để cùng cây súng buốt tay và mạnh đôi chân trên mỗi cung đường tuần tra cho cuộc sống nơi đây bình yên hơn. Sau gần một giờ đồng hồ nghỉ giải lao dưới chân cột mốc, tôi đến bên đại úy Đoàn Thanh Dương, chàng trai quê Hải Phòng sinh năm 1977, mà vẫn “đơn chiếc một mình” vì chưa có thời gian đi tìm khoảng trời riêng. Lên Xứ Lạng “đóng đô” đã được hơn mười năm. Khoảng thời gian ấy cũng đủ cho anh thực hiện bao dự định cho tương lai của một đời người. Vậy mà anh đã rời bao cám dỗ nơi thành đô, tạm biệt nơi yêu dấu của mình mang theo hương vị mặn mòi của biển, để lên với đất rừng cắm bản cùng bà con đồng bào vùng biên. Nếu như không có tình yêu Tổ quốc, không nhận thức rõ được con đường mà mình đi qua sẽ gặp phải chông gai, trắc trở, thì anh đã sống ở nơi phồn hoa đô hội mà trên con đường lập nghiệp có nhiều cơ hội để đến với những miền đất hứa thực hiện ước mơ của mình.
|
Thắm tình quân dân |
Từ nơi cột mốc chúng tôi dùng ống nhòm quan sát về phía trước, cách đó không xa là tiếng động cơ đang gầm lên song hành cùng tiếng gió hú. Đó là cán bộ, chiến sĩ Đoàn công binh N75 của Quân khu 1 đang thực hiện nhiệm vụ dự án làm đường tuần tra biên giới. Trong nay mai không xa, các anh sẽ được sải rộng bước chân trên nền bê tông của con đường vành đai biên cương Tổ quốc. Không còn cảnh hành quân đi bộ vượt bao núi cao, suối sâu nhọc nhằn để đến từng cột mốc nữa. Quãng đường tuần tra của đồn chỉ gần 23 km thôi, nhưng chủ yếu là trèo đèo lội suối, có lẽ chỉ có bước chân tuần tra của họ hằng ngày đi qua mới đem lại cuộc sống bình yên cho bà con dân bản. Địa bàn Đồn đảm nhiệm quản lý, tuần tra thuộc 2 xã là Tam Gia (Lộc Bình) và Bính Xá (Đình Lập) Với bao núi cao hun hút và vực sâu thăm thẳm cùng cả những hiểm nghuy rình rập, nhưng hôm nào cũng vậy, những bước chân của họ phải đặt lên đường mòn để hướng về phía trước; bởi nơi ấy là đất mẹ rất đỗi thiêng liêng và cao cả. Chỉ với mong muốn bình dị là giữ cho cuộc sống người dân nơi đây được bình yên và bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Còn gì đẹp hơn thế, khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng ngã xuống cho đất mẹ được bình yên vẹn tròn. Mặc đường tuần tra nắng cháy mưa tuôn, không kể thời gian sương rơi tuyết phủ, hằng ngày cùng với đôi dầy vẹt mòn đá sỏi, những bước chân tuần tra của họ vẫn lặng lẽ đi về trên mỗi nẻo đường xa xăm kia. Họ được ví như những con ong cần mẫn để lặng lẽ tỏa hương giữa đời thường, với hơn 200 lần tuần tra và duy trì hoạt động quan sát biên giới, gần 1 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng với dân quân trực chiến tham gia, các anh đã nắm được gần 30 tin có giá trị góp phần phá án và xử trí thành công, đem lại niềm tin cho bà con dân bản; quản lý nội bộ 11 đối tượng về hình sự. Ba năm trở lại đây, các anh đã phủ xanh đất trống đồi trọc được gần 30 ha thông theo dự án 661. Làm tốt công tác dân vận nơi đơn vị đóng quân, vận động bà con thực hiện quản lý đường biên mốc giới, được cấp trên khen thưởng…
Nhờ bước chân tuần tra thường xuyên của các anh và biết dựa vào bà con dân bản, thực hiện bốn cùng với đồng bào, nên hiện tượng vận chuyển buôn bán tiền giả, pháo nổ mua bán phụ nữ và buôn lậu qua biên giới đã bị đẩy lùi, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho bà con nơi đây. Chúng tôi rảo bước dưới tán rừng thông, cung đường tuần tra vẫn dài theo bước chân của họ ở phía trước, khi về đến trạm trời đã ngả về chiều; nghoảnh lại sau lưng từng cơn gió giật mạnh đang hú lên buốt giá. Ai cũng thấm mệt, một ngày hóa thân cùng họ tôi thấu hiểu thêm về giá trị cuộc sống những con người nơi đây, và họ chính là những “cột mốc” biên cương di động, chỉ có tình yêu Tổ quốc của người lính mới thực hiện được nhiệm vụ cao cả và bền bỉ ấy ở nơi đầu gió hú này.
Ý kiến ()