Ô nhiễm không khí ở Hà Nội vượt ngưỡng quy chuẩn
Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, ngày càng tăng ở mức đáng lo ngại. Tại Hà Nội, ô nhiễm không khí do bụi là vấn đề nổi cộm, tăng cao vào các giờ cao điểm và vượt ngưỡng trung bình năm theo quy chuẩn Việt Nam. Các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn không khí tại Hà Nội.
Ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh GreenID cho biết, năm 2016, GreenID đã tiến hành nghiên cứu chất lượng không khí dựa trên việc rà soát, phân tích các số liệu, tập trung vào chỉ số chất lượng không khí (AQI) và bụi PM2.5 tại TP Hà Nội. AQI là chỉ số đại diện cho nồng độ của một nhóm các chất ô nhiễm gồm: CO, NO2, SO2, O3 và bụi, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí khu vực ven đường hoặc dân cư trong thành phố, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bụi PM2.5 là loại bụi siêu nhỏ trong khí quyển với đường kính động học ≤2,5µm, có khả năng đi sâu vào phế nang phổi có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong đối với những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ số AQI trung bình của Hà Nội năm 2016 là 121. Chỉ số này nằm ở ngưỡng chất lượng không khí kém, không tốt cho nhóm người nhạy cảm. Lượng bụi PM2.5 trung bình năm 2016 tại Hà Nội lên tới 50,5µg/m3, cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp năm lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới – WHO (10µg/m3). Trong quý I – 2017, nồng độ PM2.5 trung bình là 54,6 µg/m3, cao hơn so với năm 2016. Lượng bụi PM2.5 của Hà Nội cao hơn TP Hồ Chí Minh (28,23 µg/m3) và đứng sau Thủ đô New Delhi của Ấn Ðộ (124µg/m3) – một trong những khu vực ô nhiễm không khí nặng trên thế giới,
Nếu như trong năm 2016, Hà Nội có 123 ngày vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia về các chỉ số an toàn không khí, 282 ngày vượt ngưỡng WHO thì mới quý I – 2017 Hà Nội đã có 37 ngày vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia và 87 ngày vượt ngưỡng WHO. Ðiều này cho thấy sự gia tăng ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng trầm trọng.
Thời điểm Hà Nội bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng thường vào mùa đông và mùa xuân do chịu ảnh hưởng của hướng gió và sự khuếch tán trong không khí. Nguồn gây ô nhiễm từ phía đông của Hà Nội, nhất là các khu công nghiệp lớn được xác định từ dữ liệu vệ tinh. Các nguồn gây ô nhiễm không khí được xác định gồm: khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình, ô nhiễm xuyên biên giới… Trong đó nhiều chuyên gia cho rằng giao thông và xây dựng là hai nguồn gây ô nhiễm chính. Theo bà Ngụy Thị Khanh, cần quan tâm cả nguy cơ gây ô nhiễm xuyên biên giới và nguồn ô nhiễm từ nhiệt điện than.
Khắc phục tình trạng ô nhiễm
PGS, TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng chúng ta đang gặp nhiều thách thức trong việc giảm ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn. Hà Nội có khoảng sáu trạm quan trắc chất lượng không khí cố định nhưng phần lớn đều không cung cấp được số liệu. Vì vậy, hiện nay chưa có số liệu đo, đánh giá khảo sát về nguồn gây ô nhiễm một cách chính xác. Thông tin về phát thải khí ô nhiễm thay đổi liên tục trong khi chúng ta hạn chế về nhân lực, vật lực trong lĩnh vực quan trắc, dẫn đến thiếu dữ liệu kiểm kê phát thải khí ô nhiễm, ảnh hưởng tới việc đưa ra các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, mật độ dân số tăng; chất lượng ô-tô, xe máy kém, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta mới quan tâm tới giao thông động mà chưa quan tâm giao thông tĩnh; ý thức tham gia giao thông của người dân kém…
PGS, TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí thì mới mong khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn, cần quản lý giao thông, quy hoạch lại đô thị và cần kiểm soát phát thải của phương tiện giao thông cơ giới.
Bà Ngụy Thị Khanh phân tích, quy chuẩn về nồng độ chất phát thải của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn so với quốc tế. Việt Nam chưa có Luật Bảo vệ không khí sạch, trong khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 tính thực thi chưa cao. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc mỏng và chưa hoạt động hiệu quả.
Ðể khắc phục, cải tạo chất lượng không khí, các chuyên gia cho rằng cần ban hành Luật Bảo vệ không khí sạch, đưa ra các giải pháp cụ thể giảm phát thải nhiệt điện than, dùng năng lượng tái tạo, giảm phát thải từ phương tiện giao thông; điều chỉnh, cập nhật các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế; tăng mật độ hệ thống quan trắc; thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ năng lượng sạch, bảo đảm an ninh năng lượng; thông tin công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng; biểu dương các mô hình bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không khí.
Theo Nhandan

Ý kiến ()