Ô nhiễm không khí khiến 1,2 triệu người tử vong mỗi năm ở Ấn Độ
Báo cáo của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) ngày 11/1 cho biết, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 1,2 triệu người mỗi năm ở Ấn Độ.
Báo cáo của Greenpeace được thực hiện dựa trên các báo cáo đánh giá chất lượng không khí tại 168 thành phố thuộc 24 bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ. Báo cáo cho biết, không có thành phố nào trong số 168 thành phố nói trên đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng không khí theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Báo cáo của Greenpeace chỉ ra rằng, thủ đô New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất ở Ấn Độ và cảnh báo rằng tình hình này có thể dẫn đến một “cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng”.
Theo nhà hoạt động Sunil Dahiya của tổ chức này, việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng không khí ngày một xấu đi ở Ấn Độ.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Ấn Độ, đặc biệt là tại thủ đô New Delhi, cách đây không lâu, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đã đưa ra lời kêu gọi tất cả các nước lưu tâm đến trường hợp điển hình này và cần đưa ra hành động để giải quyết vấn đề ô nhiễm. “New Delhi chính là một lời cảnh tỉnh đối với thế giới về vấn đề ô nhiễm không khí. Đó là lời cảnh tỉnh tất cả các quốc gia, tất cả các thành phố – nơi mà các mức độ ô nhiễm không khí đã gây ra những trường hợp bệnh tật và tử vong ở trẻ em” – UNICEF cho biết.
Nhấn mạnh rằng ô nhiễm không khí là một yếu tố chính gây ra những căn bệnh chết người mà trẻ em phải đối mặt như viêm phổi, UNICEF cảnh báo ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người dân. Gần 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đã tử vong vì viêm phổi mỗi năm và khoảng một nửa những trường hợp này có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí.
Vào tháng 7/2016, trong một nỗ lực nhằm cắt giảm khí thải để bảo vệ môi trường, “Tòa án xanh” quốc gia của Ấn Độ đã đưa ra lệnh cấm các xe diesel sử dụng trên 10 năm lưu thông tại thủ đô New Delhi. Quyết định của Tòa án được đưa ra sau khi người dân nước này đệ đơn yêu cầu các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Năm ngoái, “Tòa án xanh” Ấn Độ đã tăng gấp đôi thuế môi sinh đối với các xe tải đi vào thủ đô New Delhi. Năm 2014, trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, “Tòa án xanh” Ấn Độ cũng đã ban hành lệnh cấm tất cả các xe xăng và diesel có tuổi thọ quá 15 năm xuất hiện trên những con phố tại thủ đô./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()