Ở một ngôi trường đặc biệt
Là đơn vị duy nhất trong toàn quân đào tạo huấn luyện viên và huấn luyện chó nghiệp vụ, hơn 65 năm qua, Trường Trung cấp 24 Biên phòng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu cao.
Huấn luyện đi đôi với chăm sóc
Trong khuôn viên Trường Trung cấp 24 Biên phòng, một huấn luyện viên (HLV) đang ngồi vuốt ve chú chó mà anh đã gắn bó suốt 4 năm nay.
Anh là Thiếu tá QNCN Phạm Minh Hưởng, còn chú chó có tên Benxin. Hình ảnh thân mật giữa HLV và chó nghiệp vụ khiến tôi liên tưởng đến tình bạn đặc biệt không dễ bắt gặp giữa đời thường.
Bắt đầu nhận nhiệm vụ từ năm 2009, anh Hưởng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thường xuyên có mặt tại những điểm nóng về cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, anh đã cùng chú chó Benxin lập nhiều thành tích trong vụ cứu hộ, cứu nạn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 và đợt lũ lụt tại Làng Nủ năm 2024.
“Với tinh thần huấn luyện đi đôi với quản lý và chăm sóc, gắn bó tốt với chó nghiệp vụ, chúng tôi luôn phải đổi mới phương pháp để giúp những chú chó phát huy tốt nhất những điểm mạnh của mình”, Thiếu tá QNCN Phạm Minh Hưởng chia sẻ.
Một trong những bí quyết đào tạo, huấn luyện của Trường Trung cấp 24 Biên phòng là nâng cao mối gắn kết giữa HLV và chó nghiệp vụ.
Theo Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng, Phó hiệu trưởng nhà trường, muốn chó hoàn thành tốt nhiệm vụ thì người chủ phải thường có những động tác, cử chỉ âm yếm để tạo mối gắn kết. Một HLV chó nghiệp vụ phải là người có bản lĩnh, tình yêu với loài chó, bởi nếu ra động tác thiếu chính xác tới chó dễ dẫn đến tình trạng mất an toàn trong huấn luyện.
Với nguyên tắc “Từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, khó dễ kết hợp, không đốt cháy giai đoạn”, quy trình huấn luyện chó nghiệp vụ của nhà trường đòi hỏi sự nghiêm ngặt, tài năng, sự kiên trì bền bỉ và tình yêu nghề của HLV.
Trước việc tội phạm hoạt động ngày càng liều lĩnh, tinh vi, phương pháp đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng cũng liên tục được cập nhật, đổi mới. Nhà trường cũng tăng cường hợp tác quốc tế, cử các đoàn cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm tại Nga, Pháp, Bỉ, Italy...
Yêu cầu khâu đầu vào đối với chó nghiệp vụ khá nghiêm ngặt, tùy theo đặc tính của từng chú chó mà nhà trường phân theo các chuyên ngành khác nhau.
“Thông thường, quy trình huấn luyện chó nghiệp vụ đối với chó con là 1,5 năm, chó nhỡ là 1 năm. Trong quá trình ấy đòi hỏi sự kiên trì, tình yêu nghề cùng những phương pháp huấn luyện của người chỉ huy. Đối với những chú chó ham ăn thì ta dùng thức ăn để nhử, đối với các chú chó ham vận động thì ta vui đùa cùng chúng...
Khi chó đã có sự tin tưởng thì mới nghe lời người chủ, từ đó triển khai những phương pháp huấn luyện tiếp theo”, Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng phân tích.
Nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Từ hai chuyên ngành huấn luyện chó chiến đấu và huấn luyện chó canh gác mục tiêu những ngày đầu thành lập, đến nay, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã phát triển lên 5 chuyên ngành: Huấn luyện chó chiến đấu; chó phát hiện ma túy; chó phát hiện chất nổ; chó tìm kiếm cứu nạn; chó giám biệt nguồn hơi, hỗ trợ công tác điều tra hình sự.
Nhà trường đã đào tạo được 116 khóa với hơn 3.200 học viên và hơn 3.200 chó nghiệp vụ. Hiện nay, nhà trường được giao quản lý, chỉ huy 5 Cụm cơ động chó nghiệp vụ tại miền Bắc, Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; phối hợp với Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trên địa bàn tổ chức tuần tra, ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy có vũ trang; phòng, chống dịch bệnh; tìm kiếm cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác.
Là người có kinh nghiệm 33 năm gắn bó với Trường Trung cấp 24 Biên phòng, trong đó có nhiều năm công tác trên cương vị HLV, Chủ nhiệm khoa Huấn luyện chó chiến đấu và Chủ nhiệm khoa Giám biệt nguồn hơi, Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng nhận định, công tác huấn luyện chó nghiệp vụ được xếp vào nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
“Việc thường xuyên tiếp xúc với chó khiến HLV dễ bị bệnh sán chó. Ngoài ra, việc xã hội chưa đề cao nghề huấn luyện chó nghiệp vụ khiến đội ngũ huấn luyện còn gặp nhiều khó khăn, dễ rơi vào tình trạng tự ti nghề nghiệp”, Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng cho biết thêm.
Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, nghề nghiệp đặc thù tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, những năm qua, Trường Trung cấp 24 Biên phòng luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều nhiệm vụ đột xuất.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (15-12-1959 / 15-12-2024), nhà trường vinh dự đón nhận đồng thời Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ nhà trường nhận bằng khen của các cấp...
Thiếu tá Trịnh Văn Tùng, Chủ nhiệm Chính trị Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: “Trong năm 2025, bên cạnh việc nâng cao bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, tình yêu nghề đối với các HLV, nhà trường chú trọng thực hiện tốt công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng đào tạo; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, bảo đảm dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất kết quả học tập của học viên; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu huấn luyện chuyên ngành; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị, chó nghiệp vụ sẵn sàng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”.
Ý kiến ()