Nusantara và tham vọng mới của quốc đảo Indonesia
Ngày 18-1, Hạ viện Indonesia đã chính thức thông qua luật di dời thủ đô của quốc đảo này đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, sau nhiều lo ngại về tính bền vững của thủ đô Jakarta hiện tại.
“Việc di dời thủ đô đến Kalimantan dựa trên một số cân nhắc về lợi thế khu vực và phúc lợi xã hội, với tầm nhìn về một trung tâm kinh tế mới”, Suharso Monoarfa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia cho hay. Thủ đô mới sẽ có tên là Nusantara.
Từ lâu, chính quyền Indonesia đã ấp ủ kế hoạch xây dựng một thủ đô mới trên nền tảng một thành phố thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, tập trung phát triển ngành dược phẩm, y tế, công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Jakarta-thủ đô hiện tại của Indonesia-là một trong những đô thị đông dân nhất thế giới, với mật độ dân cư lên tới hơn 15.000 người/km2. Jakarta nằm trên vùng đất sình lầy gần biển, thường xuyên bị ngập lụt và là một trong những thành phố có tốc độ chìm nhanh nhất Trái đất.
Thủ đô mới của Indonesia sẽ được xây dựng ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Ảnh: Nikkei Asia |
Do hệ thống nước sạch của thành phố không đáp ứng được nhu cầu, cư dân Jakarta phải đào giếng khai thác mạch nước ngầm, khiến tình trạng sụt lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Các khu vực ở phía bắc Jakarta bị sụt lún ước tính khoảng 25cm mỗi năm. Với tốc độ đó, các nhà khoa học dự đoán đến năm 2050, gần như toàn bộ khu vực bắc Jakarta sẽ bị nước biển nhấn chìm.
Bên cạnh đó, Jakarta còn được coi là đô thị có tình trạng giao thông tệ nhất thế giới. 70% lượng khí thải gây ô nhiễm không khí thành phố là từ các phương tiện giao thông. Ùn tắc ước tính gây thiệt hại cho nền kinh tế Indonesia 6,5 tỷ USD mỗi năm.
Tắc đường đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Jakarta. Kèm theo đó, chất lượng không khí nơi đây cũng sụt giảm nghiêm trọng khiến Jakarta lọt vào danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Các kế hoạch di dời thủ đô đã được nhiều đời Tổng thống Indonesia đưa ra, song vẫn chưa được hiện thực hóa. Cải thiện cơ sở hạ tầng-trong đó có việc xây dựng thủ đô mới-là một chính sách trọng tâm đặc biệt của Tổng thống Widodo-được cho là đã giúp ông giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp trong cuộc bầu cử tháng 4-2019.
Đông Kalimantan nằm trên đảo Borneo của Indonesia và theo các nghiên cứu khoa học, là một trong những địa điểm an toàn nhất của quốc đảo này vì ít chịu tác động của các trận động đất, núi lửa và sóng thần mà quốc gia nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương này thường xuyên phải hứng chịu.
Số liệu từ Cơ quan Quy hoạch và Phát triển quốc gia Indonesia công bố, tổng diện tích đất cho thủ đô mới sẽ vào khoảng 256.143ha (khoảng 2.561km2). Địa điểm này nằm giữa những khu rừng nhiệt đới nguyên sơ và các nhà quy hoạch mong muốn thủ đô mới được xây dựng như một khu du lịch sinh thái của Indonesia.
Trang The Diplomat thông tin, việc xây dựng thủ đô mới sẽ bắt đầu trong năm 2022, với ngân sách được cho là có thể lên đến 35 tỷ USD. Dự kiến nguồn vốn của Chính phủ Indonesia đóng góp khoảng 20% kinh phí, phần còn lại lấy từ vốn đầu tư tư nhân và liên doanh.
Theo dự kiến, Jakarta sẽ vẫn là trung tâm thương mại và tài chính của Indonesia, song chức năng trung tâm hành chính sẽ chuyển đến thủ đô mới Nusantara cách Jakarta khoảng 2.000km (1.250 dặm) về phía đông bắc.
Nằm trên một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới, Indonesia đã có kế hoạch phát triển hàng chục cảng biển mới trên khắp quốc đảo, nhằm thiết lập các trung tâm kinh tế và các tuyến vận tải biển mới, là điều kiện thuận lợi cho hệ thống giao thông ở khu vực thủ đô mới.
Ngành du lịch của tỉnh Đông Kalimantan sẽ được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng được cải thiện, giảm bớt sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, phát huy lợi thế du lịch từ các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng nhiệt đới.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề chính quyền Indonesia phải lưu ý là những tác động về mặt xã hội khi di dời thủ đô. Theo VOA News, khi Brazil di dời thủ đô từ Rio de Janeiro đến Brasilia, ở nước này đã xảy ra cuộc khủng hoảng siêu lạm phát kéo dài hàng thập kỷ với giá cả tăng 80% mỗi tháng.
Còn ở Myanmar, khi thủ đô mới được di dời từ Yangon đến Naypyidaw, cư dân có xu hướng ở lại cố đô khiến thủ đô mới vắng vẻ, thưa thớt dần.
Để giảm thiểu các tác động xã hội, Chính phủ Indonesia đã lập Ban cố vấn cho kế hoạch di dời thủ đô, trong đó có những tên tuổi như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi và Masayoshi Son, người đứng đầu SoftBank-nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới.
Vai trò của Ban cố vấn là “cung cấp tham vấn và quan trọng nhất là xây dựng lòng tin từ các đối tác trên toàn thế giới”.
Trước lo ngại rằng kế hoạch xây dựng thủ đô mới cũng như việc gia tăng dân cư trên đảo Borneo sẽ có những tác động nghiêm trọng đến môi trường, cũng như đe dọa đa dạng sinh học ở Kalimantan, nơi có các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như: Đười ươi, gấu chó, khỉ mũi dài… một quan chức chính quyền Indonesia cho hay: “Chúng tôi sẽ không làm xáo trộn bất kỳ khu rừng nào hiện có, ngược lại, chúng tôi sẽ phục hồi nó”.
Dĩ nhiên, kế hoạch xây dựng thủ đô mới sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong một khu vực được coi là chậm phát triển và ít được chú ý. Thu hút các dòng vốn đầu tư để phát triển-có lẽ đó mới là tham vọng khôn ngoan mà chính quyền Tổng thống Widodo hướng tới.
Ý kiến ()