Nuôi trồng thủy sản trên hồ, đập: Cần chủ động đảm bảo an toàn
– Từ đầu năm 2022 đến nay, một số người nuôi trồng thủy sản tại các hồ, đập trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại tài sản lên tới cả trăm triệu đồng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước thực tế đó, các cơ quan liên quan, đặc biệt là người nuôi trồng thủy sản cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp để hạn chế thấp nhất rủi ro.
Ngày 25/8/2022, do ảnh hưởng của việc tháo nước phục vụ thi công công trình đập Khuổi Giàn, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình khiến cho hàng trăm nghìn con cá giống mới thả của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phai Sen bị nước cuốn trôi.
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Ông Lê Văn Dưỡng, Phó Giám đốc HTX cho biết: Ngày 17/8/2022, HTX ký hợp đồng thuê mặt nước hồ Khuổi Giàn (người dân thường gọi là hồ Phai Sen) để thả cá. Sau đó, HTX tiến hành thả 260.000 con cá giống xuống hồ và đến ngày 25/8/2022, khi sự cố tháo nước hồ xảy ra, gần như toàn bộ cá giống của HTX bị trôi hết, ước tính thiệt hại khoảng 130 triệu đồng. Mặc dù đã biết trước công trình sửa chữa đập Khuổi Giàn sẽ thực hiện việc tháo nước để phục vụ thi công, song HTX không tính trước được đơn vị thi công lại tháo nước với quy mô lớn. Đồng thời, khi chuẩn bị tháo nước, đơn vị thi công không thông báo chính thức tới HTX. Mặc dù sau này, đơn vị thi công đã hỗ trợ HTX, song HTX vẫn thiệt hại một phần kinh tế cũng như mất thời gian để đầu tư nuôi lại từ đầu.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2022, HTX Cường Thịnh, huyện Bắc Sơn cũng bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của mưa, bão. Ông Bế Văn Kiểu, Giám đốc HTX cho biết: Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn giữa tháng 6/2022, HTX có 2 lồng cá (gồm 1 lồng nuôi cá trắm 2 năm tuổi và 1 lồng nuôi cá rô phi hơn 1 năm tuổi) bị đứt, gãy, toàn bộ cá ở 2 lồng bị trôi ra hồ khiến cho HTX bị thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều tổ chức, cá nhân nuôi cá trên hồ thủy lợi. Ông Liễu Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cho biết: Đơn vị đang quản lý 123 hồ chứa, 206 đập dâng, trong đó có 33 hồ, đập đang có hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, công ty luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy lợi theo đúng quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc nuôi cá trên hồ, đập phải đối diện với một số nguy cơ thiệt hại như: việc điều chỉnh mực nước để đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa lũ hoặc sửa chữa; mưa lũ gây đứt, gãy lồng, bè nuôi cá;…
Trước thực tế đó, để đảm bảo an toàn tài sản, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản trên hồ, đập, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục có giải pháp cụ thể, hiệu quả. Ông Liễu Văn Thông cho biết thêm: Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của việc nuôi trồng thủy sản trên các hồ, đập; chủ động thông tin sớm hơn đến người nuôi trồng thủy sản khi có điều chỉnh mực nước hồ, đập để phục vụ công tác sửa chữa hoặc thoát lũ trong mùa mưa bão; trong quá trình ký hợp đồng cho thuê mặt nước sẽ nêu rõ những quy định cụ thể để người nuôi trồng thủy sản chủ động triển khai thực hiện; làm việc trực tiếp với người nuôi trồng thủy sản để đánh giá những nguy cơ gây mất an toàn tài sản và đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời…
Cùng với những giải pháp của đơn vị quản lý hồ, đập, người nuôi trồng thủy sản cần chủ động triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn tài sản. Cụ thể, trước và trong mùa mưa bão, người nuôi trồng thủy sản cần triển khai gia cố lồng bè bằng cách thêm dây leo tại các lồng cá, kiểm tra lại các mối hàn ở thành lồng, kiểm tra từng mắt lưới, thùng phao nổi; di chuyển các lồng cá vào những vị trí an toàn; chủ động kiểm tra, có giải pháp thu hoạch tỉa bớt cá. Cùng với đó, người nuôi trồng thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý cũng như các cơ quan liên quan để kịp thời nắm bắt thông tin về việc điều chỉnh mực nước hồ phục vụ sản xuất cũng như sửa chữa, từ đó, thường xuyên kiểm tra, tổ chức che chắn khu vực nuôi đúng quy định để giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Qua đó, từng bước khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()