Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo: Mở hướng sản xuất mới
LSO- Với nguyên liệu sẵn có và giá trị kinh tế cao từ 40 đến 60 triệu đồng/kg sản phẩm sấy khô, nấm đông đông trùng hạ thảo là một gợi ý cho người dân trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập.
Đông trùng hạ thảo là loài nấm ký sinh côn trùng, mùa đông nấm ký sinh trên sâu, tồn tại ở dạng hệ sợi, mùa hạ mọc thành cây nấm nên có tên là đông trùng hạ thảo. Từ xa xưa, đông trùng hạ thảo đã được coi là một vị thuốc quý, tác dụng tích cực đối với các bệnh rối loạn tình dục, thận hư, ho hen… Một số nghiên cứu hiện đại cho thấy nấm đông trùng hạ thảo có tác dụng làm tăng cường công năng của tuyến thượng thận, cải thiện chức năng thận, nâng cao hệ miễn dịch, kháng khuẩn, kháng virut, chống ung thư và chất phóng xạ.
Do giá trị dược liệu cao, nấm đông trùng hạ thảo tự nhiên bị khai thác quá mức nên cực kỳ khan hiếm. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, mặc dù nhu cầu tương đối lớn nhưng lại chưa có đơn vị sản xuất. Sản phẩm bán trên thị trường đều có xuất xứ từ Trung Quốc, giá cao nhưng chưa qua kiểm định về chất lượng, khó phân biệt thật giả. Chính vì vậy, Trung tâm Ứng dụng, Phát triển khoa học công nghệ và Đo lường, chất lượng sản phẩm đã triển khai đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi trồng quả thể nấm đông trùng hạ thảo loại cordyceps militaris tại tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được triển khai từ tháng 11/2016 đến tháng 3/2018 với 2 đợt nuôi cấy cho kết quả tích cực.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và Đo lường, chất lượng sản phẩm thu hoạch nấm đông trùng hạ thảo
Để nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo cần chuẩn bị máy móc, công cụ như: máy lắc, tủ ấm, tủ cấy, tủ mát, cân kỹ thuật, cân phân tích, điều hòa, nồi hấp, hệ thống phun sương tự động, thiết bị đo độ ẩm, nhiệt độ, lọ thủy tinh… Nguyên liệu gồm: nhộng tằm, khoai tây, gạo lứt, glucose, pepton và agar, các loại khoáng và vitamin. Môi trường rắn để nhân giống nấm: PDA, P55. Môi trường dịch lỏng nhân giống gồm: PDB, môi trường tổng hợp nuôi trồng quả thể.
Giống gốc nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris được bảo quản trong trạng thái nghỉ, vì vậy, trước khi sử dụng giống nấm cầm phải được kích hoạt. Khi cần kích hoạt giống nấm, tiến hành nuôi cấy trên môi trường PDA. Sau 3 ngày nuôi cấy, bào tử nấm đã thích ứng với môi trường. Sau 10 ngày có thể cấy chuyển tiếp sang môi trường cấp 2 để tiếp tục nhân giống. Giai đoạn nhân giống cấp 2 rất quan trọng vì nó giúp giống nấm bước đầu thích nghi với các thành phần có trong môi trường quả thể sau này. Lấy giống cấp 1 cấy điểm vào môi trường P55, nuôi trong điều kiện không ánh sáng. Để phục vụ sản xuất số lượng lớn cần phải tạo ra được đủ lượng giống cấy, do đó, cần nhân giống trên môi trường nuôi dạng dịch từ giống nấm cấp 2.
Sau khi sản xuất đủ số lượng giống dịch, tiến hành pha môi trường tổng hợp nuôi quả thể nấm vào các bình nuôi. Bình nuôi là dạng thủy tinh trung tính, có đường kính 8 cm, cao 12 cm. Pha môi trường quả thể tổng hợp rót vào lọ nuôi đặc chủng. Môi trường sau khi được khử trùng tiến hành cấy dịch giống với liều lượng 1 ml/lọ. Lọ môi trường sau khi cấy giống thì chuyển vào phòng ươm sợi để nuôi tạo quả thể nấm. Sau 75 ngày nuôi thì cho thu hoạch quả thể nấm.
Về chất lượng, nấm đông trùng hạ thảo nuôi cấy tại trung tâm có hàm lượng một số thành phần quan trọng trong quả thể nấm đông trùng hạ thảo loài Cordyceps militaris bằng hoặc cao hơn so với một số sản phẩm tự nhiên cùng loại thu thập tại Trung Quốc. Bà Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, Phát triển khoa học công nghệ và Đo lường, chất lượng sản phẩm cho biết: Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo với quy mô 10.000 lọ, tỷ lệ nhiễm hỏng 5%, sau 3 tháng cho khoảng 9.500 lọ. Năng suất trung bình 16 gam/lọ thì thu được 152 kg quả thể nấm tươi. Tỷ lệ sấy khô là 1:10, như vậy sẽ cho ra 15,2kg khô. Với giá bán 40 triệu đồng/kg thì doanh thu đạt 608 triệu đồng. Trừ chi phí sản xuất bao gồm nguyên vật liệu, nhân công, điện nước… thì lợi nhuận đạt trên 207 triệu đồng.
Tuy chi phí đầu tư lớn, nhưng sau khi đầu tư có thể sử dụng lâu dài. Đặc biệt, nguồn nguyên vật liệu để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo sẵn có trong nước, đây chính là yếu tố quan trọng để người dân trên địa bản tỉnh đầu tư sản xuất. Với thành công từ mô hình thử nghiệm cũng như giá trị mà nấm đông trùng hạ thảo mang lại, người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có thể đầu tư nâng cao thu nhập.

Ý kiến ()