tle=”Nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Học tập, trao đồi kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp đạt hiểu quả cao ở TP Cà Mau.
Cùng với đề án nâng cao hiệu quả sản xuất tôm – lúa được thực hiện rất hiệu quả từ năm 2008 đến nay, tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai chương trình nuôi tôm công nghiệp, phấn đấu nâng diện tích lên 10 – 20 nghìn ha từ nay đến năm 2020. Nuôi tôm công nghiệp đã trở thành phong trào, được nông dân tại các huyện trọng điểm nuôi tôm của tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ…
Khai thác lợi thế, tiềm năng
Lợi thế lớn nhất của tỉnh Cà Mau là tiềm năng về kinh tế thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Kinh tế thủy sản được tỉnh xác định là mũi nhọn trong quá trình phát triển của mình. Những năm qua, kinh tế thủy sản của Cà Mau có bước chuyển khá mạnh mẽ, đạt tăng trưởng 7 – 8%/năm; đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung đối với kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng quản lý, tổ chức sản xuất, canh tác trong nuôi trồng thủy sản vẫn manh mún, lạc hậu, phần lớn nuôi theo kiểu quảng canh truyền thống. Do đó, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào nghề nuôi tôm; kiểm soát con giống, môi trường… vẫn là khâu yếu nhất, dẫn đến dịch bệnh tôm chết hàng loạt, là nỗi lo hằng ngày mà số đông người nuôi tôm ở Cà Mau phải đối mặt. Đến nay, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm lên gần 300 nghìn ha, chiếm gần 50% diện tích nuôi tôm của các tỉnh ĐBSCL. Dù diện tích nuôi lớn, nhưng thực tế đến nay năng suất bình quân tôm nuôi của tỉnh mới chỉ đạt khoảng 400 kg/ha/năm, kém xa so với các tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng… Để khắc phục yếu kém trong nuôi tôm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 14 của tỉnh nêu mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2015, nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên mười nghìn ha; tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt từ năm tỷ USD trở lên…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi cho biết, năm 2010, tổng sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt 104 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 850 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, sản lượng tôm nuôi chỉ đáp ứng khoảng 40% công suất của gần 40 nhà máy chế biến trong tỉnh; tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu luôn diễn ra khá trầm trọng; là bài toán khá nan giải về nguyên liệu phục vụ ổn định cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trong tỉnh. Để tạo khâu đột phá mới, Cà Mau đã lựa chọn, khẳng định các mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến để mở rộng diện tích theo quy hoạch tại các vùng nuôi trong tỉnh; đồng thời đề ra bước đi phù hợp để phát triển một cách toàn diện nghề nuôi tôm trong thời gian tới. Cùng với 'Đề án nâng cao toàn diện hiệu quả sản xuất tôm – lúa' được triển khai rộng rãi từ năm 2008, bước đầu nâng hiệu quả sản xuất từ 20 đến 25%; được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ…, gần đây, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục có quyết định phê duyệt chương trình nuôi tôm công nghiệp; đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, phấn đấu nâng diện tích lên 20 nghìn ha vào năm 2020. Đây là mục tiêu lớn, lâu dài và chỉ có phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp tập trung, quy mô lớn mới vực dậy được ngành kinh tế thủy sản ở Cà Mau. Theo đó, quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung để đầu tư phát triển vùng nuôi tôm chuyên canh cho năng suất, chất lượng cao; gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức lại sản xuất; đầu tư thủy lợi, vốn, con giống, khoa học công nghệ, môi trường nuôi… Đây là những giải pháp hàng đầu phải triển khai thực hiện đồng bộ để nghề nuôi tôm ở Cà Mau phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có ba nghìn ha diện tích tôm nuôi công nghiệp; trong đó hai nghìn ha được đầu tư mới từ đầu năm 2011 đến nay. Việc nuôi tôm công nghiệp đang tạo ra những chuyển biến đáng mừng và được người dân tại các huyện trọng điểm nuôi tôm rất đồng tình, phấn khởi.
Đầm Dơi là huyện ven biển, có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình nuôi tôm công nghiệp tập trung, tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc phát triển loại hình nuôi tôm công nghiệp tập trung là trình độ thâm canh, công nghệ nuôi tôm còn lạc hậu, vùng nuôi phân tán, nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng chưa phát triển đồng bộ. Nhất là hệ thống thủy lợi, điện chưa đáp ứng yêu cầu, con giống chưa bảo đảm chất lượng, môi trường nước bị ô nhiễm… Anh Nguyễn Minh Thắng, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm công nghiệp Tân Hồng, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi cho biết, HTX thành lập vào tháng 2-2011, có 47 xã viên, với diện tích 35 ha, đang thả tôm được hai tháng tuổi. Người nuôi tôm sử dụng điện với giá khá cao, nhiều hộ hiện rất khó khăn vì nguồn vốn cạn kiệt do chi phí đầu tư tăng cao…
Để thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 14 tỉnh đề ra, tỉnh đã và đang dồn sức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quy hoạch phát triển sản xuất, nhất là quy hoạch các vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp tập trung ở những nơi có điều kiện để mở rộng diện tích. Triển khai thực hiện một số dự án, mô hình sản xuất thí điểm về nuôi tôm công nghiệp, tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học – kỹ thuật đến người nuôi tôm; tổ chức lại và nâng cao năng lực sản xuất con giống bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm của địa phương; gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, kiểm soát được dịch bệnh để hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm. Gắn kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với người nuôi tôm trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết 'bốn nhà', để giải quyết đầu ra ổn định cho người nông dân. Từ nhiều nguồn vốn huy động, năm 2011, tỉnh Cà Mau dự kiến đầu tư khoảng một nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi; đồng thời triển khai các giải pháp phát triển những vùng sản xuất chuyên canh tôm công nghiệp; vùng lúa – tôm kết hợp như đầu tư kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hơn nữa đưa khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các tổ hợp tác sản xuất… Thực tế cho thấy, việc xây dựng hàng chục cống, đập lớn tại các vị trí đầu mối đã giúp chủ động trong điều tiết nước, rửa mặn, ngăn mặn, giữ ngọt, hạn chế lây lan dịch bệnh, cấp và tiêu thoát nước kịp thời; bước đầu mang lại hiệu quả sản xuất và tạo điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu.
Theo Giám đốc Sở Công thương Lê Minh Khởi: Chủ trương chung của tỉnh là các vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp sẽ được Nhà nước đầu tư mới hoặc nạo vét các kênh trục cấp và thoát nước; hệ thống lưới điện ba pha; đấu nối giao thông đường bộ… Ngoài ra, người dân còn được nhận các hỗ trợ như: Hỗ trợ đào tạo về công tác quản lý, nguồn lao động; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ điều trị dịch bệnh, khắc phục thiên tai… Ngành công thương tỉnh đang khẩn trương triển khai dự án đầu tư lưới điện ba pha cho các vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp tại các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân và TP Cà Mau, cung cấp 23 nghìn kVA phục vụ cho 3.369 hộ dân nuôi tôm công nghiệp trên diện tích 4.226 ha…, nhằm góp phần hướng tới mục tiêu đạt năm tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào năm 2015.
Theo Nhandan
Ý kiến ()